Giá vàng có thể lên mốc 2.000 đô la Mỹ/ounce trong kịch bản nào?

Giá vàng đang được hưởng lợi nhờ một loạt yếu tố hỗ trợ trong những tháng qua. Giờ đây một số nhà phân tích lạc quan cho rằng, giá kim loại quý này có thể leo lên mức đỉnh kỷ lục 2.000 đô la/ounce nếu như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quay trở lại chu kỳ nới lỏng định lượng hoặc các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu tăng nhiệt.

 Một số nhà phân tích bắt đầu tính đến kịch bản vàng tăng lên mức 2.000 đô la/ounce. Ảnh: ETF Database

Một số nhà phân tích bắt đầu tính đến kịch bản vàng tăng lên mức 2.000 đô la/ounce. Ảnh: ETF Database

“Có một cơn sóng ngầm mạnh mẽ về nhu cầu vàng đang xuất hiện. Dù các yếu tố ngắn hạn, chẳng hạn cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể đến rồi đi, các nhà đầu tư dài hạn tự tin rằng các vấn đề liên quan đến sự giảm giá tiền tệ và các yếu tố địa chính trị khác sẽ tiếp tục tác động đến thị trường vàng”, Brien Lundin, biên tập viên của bản tin điện tử Gold Newsletter, nói.

Hôm 15-8, giá vàng tương lai giao tháng 12-2019 tăng 0,2% lên mức 1.531 đô la Mỹ/ounce, đánh dấu mức giá cao nhất kể từ tháng 4-2013, theo dữ liệu của FactSet. Mức giá đóng cửa kỷ lục của hợp đồng vàng tương lai là 1.891,9 đô la/ounce được thiết lập vào ngày 22-8-2011.

Tính đến chiều 19-8, giá vàng tương lai giao tháng 12 đã thoái lùi về mức 1510,2 đô la/ounce, giảm 13,5 đô la so với mức giá đóng cửa trong phiên giao dịch cuối tuần trước.

Các lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sau cú đảo chiều gần đây của đường cong lãi suất trái của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm, một số dữ liệu yếu ớt của kinh tế toàn cầu cùng với quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kể từ năm 2008 đã tăng sức hấp dẫn cho vàng, vốn được xem kênh trú ẩn tài sản an toàn trong những thời kỳ kinh tế bất ổn.

Tuy nhiên, Stan Bharti, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Forbes & Manhattan (Canada) cho rằng giá vàng tăng là một chuyển động mang tính dài hạn, chứ không phải vì các nỗi hoảng sợ ngắn hạn trên thị trường.

Ông cho biết sau giai đoạn 2003-2004, “nhu cầu các tài sản hữu hình tăng lên khi dòng tiền thông minh tránh xa cổ phiếu và chảy vào vàng để bảo vệ giá trị. Thế rồi, trong vòng 8-10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến thị trường bò tót (tăng giá) ở cổ phiếu và sống trong môi trường lãi suất thấp. Điều đó rất nguy hiểm đối với lạm phát”.

Với bối cảnh như vậy, Bharti kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên mức trên 2.000 đô la/ounce vào cuối năm sau. Trong ngắn hạn, ông cho rằng giá vàng sẽ nhảy lên mức 1.600 đô la / ounce vào quí sau.

Biên tập viên Brien Lundin của Gold Newsletter, cũng nhất trí cho rằng vàng có cửa tăng giá lên mức cao hơn. Ông nhận định giá vàng leo lên mức 1.800 hay thậm chí 2.000 đô la/ounce là “điều gần như chắc chắn” nhưng cần phải trải qua một thời gian dài để đạt được mục tiêu đó.

Ông nói giá vàng sẽ tăng tốc nếu thị trường nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Fed quay trở lại chu kỳ nới lỏng định lượng. Hồi cuối tháng 7 khi Fed hạ lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell, nói rằng động thái này là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ”, chứ không phải đảo ngược chu kỳ tăng lãi suất để bắt đầu chu kỳ nới lỏng định lượng.

Nới lỏng định lượng (QE) là một phương thức của các ngân hàng trung ương để kích thích kinh tế bằng cách mua trái phiếu cùng những tài sản khác từ các ngân hàng thương mại. Một động thái như vậy sẽ gây áp lực giảm giá cho đồng đô la và có thể dẫn đến lạm phát tăng. Vàng được xem là kênh đầu tư phòng thủ chống lại lạm phát.

Deric Scott, Phó Chủ tịch kiêm nhà phân tích cao cấp ở công ty bán lẻ kim loại quý Metals.com, cho rằng để giá vàng tăng mạnh, thị trường cần chứng kiến “sự giảm giá của đô la để đáp trả sự giảm giá của nhân dân tệ”.

Ông nhận định các yếu tố khác có thể thúc đẩy mạnh giá vàng là “các rủi ro địa chính trị tăng cao liên quan đến Iran, Hồng Kông hay một số sự kiện khó lường khác”. Ông cũng cho rằng một cú tăng giá lên mức 1.800-2.000 đô la/ounce đối với vàng “có khả năng chắc chắn xảy ra dù thời gian để đạt đến mức giá đó vẫn chưa rõ”.

Hồi tuần trước, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc bắt đầu hạn chế nhập khẩu vàng kể từ tháng 5 với mục tiêu cắt giảm 300-500 tấn vàng nhập khẩu so với năm ngoái. Tuy nhiên, thông tin này ít tác động đến giá vàng.

Brien Lundin ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng đang tăng vọt trên toàn cầu nên động thái giảm nhập khẩu vàng của Trung Quốc dường như chỉ làm chậm, chứ không chặn đà tăng của giá vàng.

Nhà phân tích Deric Scott cho rằng động thái của Trung Quốc có thể khiến vàng quay trở lại kiểm định ngưỡng giá 1.463-1485 đô la/ounce và “đây sẽ là cơ hội lớn để mua vào”.

Theo CNBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293000/gia-vang-co-the-len-moc-2000-do-la-myounce-trong-kich-ban-nao.html