Giá vàng gãy mốc 2.300 USD/oz vì đồng USD nhảy lên đỉnh 2 tháng

Một số chuyên gia cho rằng sự cứng rắn của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đà tăng của đồng USD sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng trong ngắn hạn, nhưng xu hướng giá vàng có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn từ ngày thứ Sáu...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới lao dốc xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 2.300 USD/oz, do đồng USD tăng giá mạnh trong lúc thị trường chờ báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng sự cứng rắn của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đà tăng của đồng USD sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng trong ngắn hạn, nhưng xu hướng giá vàng có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn từ ngày thứ Sáu.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường New York, giá vàng giao ngay dừng ở mức 2.298,8 USD/oz, giảm 21,7 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm hơn 0,9% - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Đây là mức giá chốt phiên thấp nhất của vàng kể từ trung tuần tháng 7.

Lúc gần 8h sáng nay (27/6) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,5 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,11%, giao dịch ở mức 2.301,3 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 70,6 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với sáng qua.

“Ở thời điểm này, thị trường đang phản ứng rất nhạy với sự tăng giá của đồng USD và phản ánh khả năng Fed sẽ không giảm lãi suất trong mùa hè này”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities nhận định.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,4%, đạt mức 106,05 điểm, cao nhất kể từ cuối tháng 4. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên mức cao nhất 2 tuần ở 4,34%.

Từ tuần trước đến nay, giá vàng đã giằng co mạnh trong vùng 2.300-2.350 USD/oz. Tâm lý nhà đầu tư đang trở nên bấp bênh báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng.

Nếu dữ liệu này cho thấy lạm phát xuống thang, khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sẽ tăng lên, giá vàng sẽ có cơ hội hồi phục. Ngược lại, một báo cáo PCE nóng hơn kỳ vọng có thể gây áp lực khiến vàng giảm giá sâu hơn vì làm suy giảm khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo tốc độ tăng so với cùng kỳ năm ngoái của PCE trong tháng 5 giảm còn 2,6%.

Ngoài báo cáo PCE, mối quan tâm của nhà đầu tư trong tuần này còn hướng tới dữ liệu điều chỉnh về GDP quý 1 của Mỹ, và cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ là ông Joe Biden và ông Donald Trump vào ngày thứ Năm.

Các số liệu kinh tế Mỹ gần đây thiếu đồng nhất, dẫn tới việc thị trường khó đoán định được triển vọng lãi suất của Fed. Chẳng hạn, số liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng 6 do lo ngại về triển vọng kinh tế, nhưng các hộ gia đình vẫn lạc quan về thị trường việc làm và kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục yếu đi trong vòng 1 năm tới.

Trong khi đó, giới chức Fed vẫn duy trì quan điểm thận trọng đối với cắt giảm lãi suất, thậm chí phát tín hiệu không muốn giảm lãi suất trong năm nay. Theo nhà phân tích Arslan Ali của công ty FX Empire, sự cứng rắn này của giới chức Fed đang củng cố sức mạnh cho đồng USD và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, từ đó gây áp lực giảm lên giá vàng trong ngắn hạn.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 6 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 6 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

“Thống đốc Fed Michelle Bowman đã bày tỏ sẵn sàng tăng lãi suất thêm nếu tiến trình giảm lạm phát chững lại. Thống đốc Fed Lisa Cook cho rằng có thể sắp đến lúc việc giảm lãi suất là hợp lý, nhưng cũng nhấn mạnh sự cẩn trọng vì kỳ vọng lạm phát có thể tăng. Sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ ủng hộ quan điểm thận trọng này, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên và hạn chế khả năng tăng của giá vàng”, ông Ali viết trong một báo cáo.

Nhà phân tích này cho rằng số liệu GDP quý 1 điều chỉnh của Mỹ công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo PCE vào ngày thứ Sáu “sẽ mang tới những tín hiệu rõ ràng hơn về đường đi chính sách của Fed trong tương lai, cũng như ảnh hưởng của chính sách tới tỷ giá đồng USD và giá vàng”.

Trong ngắn hạn, ông Ali nhận định lập trường cứng rắn của Fed có thể sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng. “Các ngưỡng kháng cự ở 2.329,2 USD/oz và 2.337,78 USD/oz có thể cản khả năng tăng của giá vàng. Ở chiều ngược lại, một cú giảm dưới 2.310 USD/oz có thể châm ngòi cho bán tháo”, ông viết trong báo cáo.

“2.310 USD/oz là một ngưỡng quan trọng. Việc giữ được mốc giá này đồng nghĩa triển vọng giá lên vẫn còn. Nhưng nếu mốc giá này không giữ được, đó có thể sẽ là khởi đầu của một xu hướng bán mạnh mẽ… Nói tóm lại, triển vọng của giá vàng sẽ còn sáng sủa chừng nào mốc 2.310 USD/oz còn duy trì”.

Điệp Vũ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-vang-gay-moc-2-300-usd-oz-vi-dong-usd-nhay-len-dinh-2-thang.htm