Giá vàng hôm nay 14/2/2025: Giá vàng trong nước 'nhảy múa' trước lễ Valentine, thế giới bao giờ vượt 3.000 USD? thành viên hàng đầu BRICS cháy hàng

Giá vàng hôm nay 14/2/2025: Giá vàng trong nước tăng giảm mạnh trước lễ Valentine, đi ngược xu hướng sôi sục, liên tiếp lập những kỷ lục mới của thị trường thế giới. Vậy giá vàng thế giới phá kỷ lục rồi sẽ thế nào tiếp theo?

TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 14/2TỶ GIÁ HÔM NAY 14/2

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/2/2025

Giá vàng thế giới liên tiếp phá kỷ lục, rồi sẽ thế nào tiếp theo?

Thị trường kim loại quý đã lại vừa được chứng kiến một đợt tăng giá đáng kể, tăng khoảng 14% kể từ giữa tháng 12.

Ghi nhận của Báo Thế giới và Việt Nam lúc 17h18 ngày 13/2 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn điện tử Kitco ở 2.915,10 - 2.916,10 USD/ounce, tăng 11,3 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước.

Giá vàng đã phá vỡ mức cao kỷ lục mới trong tuần này khi gần chạm mốc 3.000 USD/ounce, được thúc đẩy bởi các yếu tố bao gồm nỗi lo về thuế quan và nhu cầu tiềm ẩn mạnh mẽ, theo chuyên gia phân tích Gary Wagner của TheGoldForecast.com.

Ông Wagner lưu ý, sự gia tăng gần đây của vàng sau khi giảm xuống khoảng 2.650 USD/ounce, đã được chính ông dự đoán trong một lần xuất hiện trước đó. Và "đợt tăng giá hiện tại là một chặng mới và diễn ra sau đợt điều chỉnh mà chúng ta đã thấy khi giá giao dịch giảm", ông Wagner cho biết.

Vậy giá vàng thế giới phá kỷ lục rồi sẽ thế nào tiếp theo?

Chuyên gia phân tích của TheGoldForecast.com cho rằng, các nhà giao dịch đang háo hức mua vào ở bất kỳ mức giảm nào của giá vàng, cho thấy tâm lý thị trường mạnh mẽ. "Các nhà giao dịch đang chờ đợi các mức giảm để có thể chộp được ngay cơ hội đó".

Mức thuế quan 25% của Tổng thống Trump đối với thép và nhôm góp phần gây ra rủi ro lạm phát, làm tăng nhu cầu về vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Theo ông Wagner, "thuế quan gợi lên khả năng lạm phát nóng trở lại".

Giá vàng đang tiến gần đến mức tâm lý quan trọng là 3.000 USD/ounce. Ông Gary Wagner tin rằng, việc đạt 3.000 USD "không phải là có hay không, mà là khi nào". "Tôi nghĩ là tương đối sớm", ông nói thêm.

Nhưng trong khi thị trường vẫn có xu hướng tăng mạnh, chuyên gia Wagner thừa nhận, khả năng giá vàng sẽ giảm hoặc điều chỉnh. Ông cũng nhận thấy, quỹ đạo hiện tại của vàng "gần như là parabol", điều này "luôn tạo ra tiềm năng cho một đợt điều chỉnh mạnh, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy điều đó". "Và lý do lần này khác với những lần khác khi chúng ta thường thấy sự thoái lui sớm hơn nhiều là do các yếu tố cơ bản thúc đẩy điều này đang rất mạnh".

Giá vàng trong nước tăng giảm tới cả triệu đồng trước lễ Valentine.

Giá vàng miếng SJC liên tục đảo chiều giảm mạnh, tăng nhanh trong ngày 13/2. Chốt ngày, Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) và Công ty Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng SJC tại 87,7 - 90,7 triệu đồng; Tập đoàn DOJI chốt giá tại 86,7 - 90,2 triệu một lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn mất mốc 90 triệu đồng/lượng vào buối sáng, rồi lại nhanh chóng lấy lại vào buổi chiều.

Giá vàng nhẫn các thương hiệu đã điều chỉnh giảm cả triệu đồng, mất mốc 90 triệu đồng/lượng vào sáng ngày 13/2, nhưng lập tức tăng mạnh chiều mua vào buổi chiều. Công ty SJC nâng giá vàng nhẫn tròn trơn lên 87,7 - 90,5 triệu đồng/lượng; Công ty PNJ cũng lên 89 - 90,65 triệu đồng; còn DOJI là 88,6 - 90,2 triệu đồng/lượng.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank tương đương 90 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện dưới 1 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng hôm nay 14/2/2025: Giá vàng trong nước 'nhảy múa' trước lễ valentine, giá thế giới bao giờ vượt 3.000 USD? hai thành viên hàng đầu BRICS 'cháy hàng'. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng hôm nay 14/2/2025: Giá vàng trong nước 'nhảy múa' trước lễ valentine, giá thế giới bao giờ vượt 3.000 USD? hai thành viên hàng đầu BRICS 'cháy hàng'. (Nguồn: Kitco)

Tổng hợp giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch trước lễ Valentine (ngày 13/2):

Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC: Vàng miếng SJC 87,7 - 90,7 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 87,7 - 90,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI: Vàng miếng SJC 86,7 - 90,2 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) 88,6 - 90,2 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 87,7 - 90,7 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 ở mức 89 - 90,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý: Vàng miếng SJC: 87,7 - 90,7 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9: 89,00 – 90,70 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 87,7 - 90,7 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn tròn trơn 89,10 - 90,70 triệu đồng/lượng.

Trung Quốc, Nga đối mặt với nhu cầu vàng trong nước tăng vọt

Các ngân hàng Trung Quốc đang cạn kiệt vàng, trong khi dự trữ thương mại và cả dự trữ quốc gia của Nga đang nhanh chóng cạn kiệt, khi hai quốc gia BRICS phải đối mặt với nhu cầu trong nước tăng vọt ngay cả khi giá vàng thế giới lập kỷ lục mới.

Theo hãng thông tấn địa phương Yicai, ứng dụng của Ngân hàng Công thương Trung Quốc cho thấy, các thỏi vàng 5, 20, 50, 100 và 200g đều đã hết hàng, chỉ có tùy chọn 10g - cho thấy tình trạng khan hiếm cung vàng tại nước này. Ứng dụng của nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc... đồng loạt cho thấy tình trạng hết hàng, không có sẵn.

“Mặc dù giá vàng có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhưng rủi ro liên quan cũng có khả năng tích tụ dần dần”, Nhà nghiên cứu Wu San tại Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc cảnh báo. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cân nhắc các chiến lược khác nhau, chẳng hạn như đa dạng hóa danh mục đầu tư, để giảm thiểu rủi ro hiệu quả dựa trên tình hình tài chính cá nhân.

Tình trạng thiếu hụt nói trên xảy ra khi giá vàng ở Trung Quốc và trên toàn thế giới tiếp tục lập mức cao kỷ lục mới. Vàng giao ngay lần giao dịch gần nhất ở mức cao mới là 2.906,44 USD/ounce, tăng 0,30% trong ngày.

Nga - một thành viên sáng lập BRICS khác cũng đang chứng kiến lượng vàng dự trữ giảm ở cả cấp độ ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại. Dự trữ vàng của Nga đã giảm tới 46,4% vào năm 2024, tương ứng với mức giảm hơn 33 tấn, theo báo cáo từ hãng tin RBC, trích dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, dự trữ vàng của nước này đã giảm 23,6% về mặt tiền tệ vào năm ngoái, nhưng về mặt vật chất, mức giảm là 46,4%, mức giảm lớn nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020. RBC cho biết, dự trữ vàng vật chất do các ngân hàng Nga nắm giữ hiện ở mức 38,1 tấn, trị giá 3,4 tỷ USD, tương đương 325,4 tỷ Ruble. Dự trữ vàng của Nga hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), người tiêu dùng Nga đã mua 75,6 tấn vàng vào năm 2024, tăng 6% so với năm trước, nhưng nhiều hơn tới 6% so với năm 2021 - năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

(theo Kitco News)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-vang-hom-nay-1422025-gia-vang-trong-nuoc-nhay-mua-truoc-le-valentine-the-gioi-bao-gio-vuot-3000-usd-thanh-vien-hang-dau-brics-chay-hang-304157.html