Giá vàng hôm nay 6/1: Vàng có lý do 'nhảy vọt', trong nước lại 'sốt xình xịch'
Giá vàng thế giới tăng cả vài chục USD một phiên, trong khi vàng trong nước bật lên ghim ở mức lý tưởng. Ngay những ngày đầu năm mới, thị trường vàng 'nóng hầm hập' bởi những phiên tăng, thậm chí tăng quá nhanh, tới hơn 2% để leo lên đỉnh cao nhất kể từ ngày 9/11. Đuổi theo xu thế chung, giá vàng trong nước cũng bật lên, ghim vào mức 57 triệu đồng.
Cập nhật giá vàng hôm nay
Mỗi ounce tăng tới 44 USD vào ngày hôm qua đã kéo giá vàng lên đỉnh hai tháng tại 1.942 USD. Tuy nhiên, đà tăng vẫn chưa dừng, theo ghi nhận của TG&VN lúc 1h 20 ngày 6/1 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch điện tử Kitco đã vượt qua ngưỡng 1.950 USD, tăng thêm 9,7 USD (tương đương 0.5%) so với phiên trước đó, hiện đang giao dịch tại 1.951,9 - 1.952.9 USD/ounce.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, cuối ngày 5/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã bất ngờ tăng giá bán vàng miếng SJC lên mức 57,15 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước. Đây cũng là lần đầu tiên giá vàng trong nước quay lại mốc 57 triệu đồng/lượng trong nhiều tháng qua. Chênh lệch giá mua - bán vẫn giữ ở mức cao 550.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, trong phiên đóng cửa, Công ty Bảo tín Minh Châu hiện cũng đang niêm yết giá vàng SJC ở 56,71 - 57,18 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long được niêm yết tăng ở 55,76 - 56,46 triệu đồng/lượng.
Điểm đáng chú ý trên thị trường nội địa là cú đảo chiều của giá vàng SJC diễn ra quá nhanh. Buổi sáng, giá vàng từng chạm ngưỡng 56,95 triệu đồng/lượng, rồi giảm dần về mức 56,85 triệu đồng/lượng, nhưng lại nhanh chóng bật tăng mạnh trở lại vào cuối ngày.
Cập nhật giá vàng hôm nay 6/1, giá bán vàng SJC tăng thêm 100.000 đồng/lượng lên mức 57,25 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2,86 triệu đồng mỗi lượng. Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện đang niêm yết giá vàng SJC tại 56,70 - 57,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 5/1. Chênh lệch giá bán vàng vẫn đang cao hơn giá mua 550.000 đồng/lượng. Tại Hà Nội, giá vàng SJC tiếp tục tăng nhẹ, Công ty Bảo tín Minh Châu hiện đang niêm yết ở 56,78 - 57,23 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long được niêm yết tăng ở 55,81 - 56,51 triệu đồng/lượng.
Vàng có lý do tăng phi mã
Giá vàng thế giới tăng mạnh do tổng hợp nhiều yếu tố có tác động lớn, bao gồm, hiệu ứng tâm lý đầu năm, cộng với lo ngại về lạm phát, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và sự bùng nổ của đồng Bitcoin.
Ngày 6/1, Quốc hội Mỹ có cuộc họp quan trọng để kiểm đếm phiếu đại cử tri, xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, sóng gió nổi lên trong nội bộ Đảng Cộng hòa khi ngày càng nhiều nghị sĩ đảng này tham gia chiến dịch đảo ngược kết quả bầu cử. Diễn biến này cộng với dịch Covid-19 bùng phát do chủng virus mới tại nhiều quốc gia càng ủng hộ cho đà đi lên của giá vàng. Đà tăng được củng cố bởi đồng USD yếu đi, trước cuộc bầu cử giành ghế Thượng viện ở Georgia.
Dollar Index hôm qua xuống thấp nhất 2,5 năm, khiến giá kim loại quý rẻ hơn với những người nắm giữ tiền tệ khác. Nhà đầu tư cũng đang theo dõi cuộc bầu cử tại Georgia, sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện Mỹ.
Cuộc bầu cử tuần này có thể là sự kiện tác động lớn, sẽ quyết định tương lai của gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ. Vì thế, giá vàng đang tăng lên. Nếu đảng Dân chủ của Tổng thống đắc cử Joe Biden giành được cả Hạ viện và Thượng viện, chính quyền của ông sẽ dễ dàng thúc đẩy các chính sách hơn, như tăng kích thích và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. "Có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến chính sách kích thích mạnh tay, khiến USD càng giảm thêm", Jeffrey Sica - nhà sáng lập Circle Squared Alternative Investments nhận định.
Nhiều nhà đầu tư coi vàng là công cụ phòng trừ rủi ro lạm phát và tiền tệ mất giá từ việc chính phủ tung kích thích quy mô lớn. Năm ngoái, chính yếu tố này đã kéo giá vàng tăng hơn 20%.
Hiện tại, một số nền kinh tế lớn như Anh và Nhật Bản được dự báo sẽ siết phong tỏa, khi số ca nhiễm Covid-19 không ngừng tăng lên. Tại bang New York (Mỹ) ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể mới của virus gây đại dịch đã được phát hiện tại Anh. Chủng virus mới tại Nam Phi cũng có thể tác động lên giá các kim loại quý, khi việc cấm bay là đòn giáng lên xuất khẩu kim loại quý như vàng, bạch kim và palladium - vốn được vận chuyển bằng đường hàng không và chủ yếu trên máy bay chở khách.
Nhà chiến lược Margaret Yang tại DailyFX cho rằng, việc đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn hai năm đang gây sức ép lên giá vàng. Theo bà, sự phục hồi của giá vàng trong phiên trước chủ yếu do nhận định về thắng lợi của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Thượng viện, do đó trên thị trường đã diễn ra hoạt động chốt lời.
Chuyên gia Yang có vẻ khá chắc chắn rằng, “Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vẫn đang gia tăng nhanh ở Mỹ, buộc Fed sẽ phải đưa ra thêm các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và duy trì mức lãi suất siêu thấp sau năm 2023”.
Biên bản cuộc họp chính sách cuối cùng của Fed trong năm 2020 sẽ được công bố ngày 6/1.
Đà tăng của giá vàng kéo dài bao lâu?
Liệu đà tăng này có thể kéo dài như hồi giữa năm 2020 hay không? hình như là "không". Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ chỉ tăng trong ngắn hạn khi nhiều yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế còn chưa rõ ràng. Phần lớn các chuyên gia cho rằng, sau khi Mỹ xác định rõ tân Tổng thống là ai và tình hình dịch Covid-19 ổn định, giá vàng sẽ không còn duy trì được xu hướng tăng như hiện nay.
Cũng không ít người tỏ rõ sự không lạc quan. Họ có vẻ chắc chắn hơn đến xu hướng đi ngang, thậm chí giảm trong nửa đầu năm 2021.
Trong khi đó, theo ông Kunal Shah, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Nirmal Bang Commodities ở Mumbai, cho biết giá vàng vẫn có xu hướng đi lên khi dự báo lạm phát ngày càng tăng. Ngoài ra, các yếu tố như chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed và đồng USD suy yếu hơn sẽ đẩy giá vàng lên mức 2.000 - 2.050 USD/ounce trong năm nay.
(theo Reuters, Kitco)