Giá vàng hôm nay ngày 29/3: 'Con đường tiềm năng lên 4.000 USD/ounce'

Với diễn biến vàng đang liên tục phá kỷ lục mới, các nhà phân tích đã tăng dự báo đối với kim loại quý này, thậm chí họ còn thấy con đường tiềm năng lên 4.000 USD/ounce nếu căng thẳng địa chính trị leo thang.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 29/3 tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán, hiện niêm yết lần lượt ở mức 98,4 – 100,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 98,9 – 100,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 28,7 USD lên 3.085,3 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 trên sàn Comex New York tăng 23,4 USD, tương ứng tăng 0,76% lên mức 3.114,3 USD/ounce.

Vàng tăng mạnh và tiếp tục xác lập mức kỷ lục mới. Tính chung trong tháng 3, giá vàng đã tăng khoảng 8% và đang trên đà kết thúc quý với mức tăng 17%.

Nhu cầu trú ẩn an toàn ổn định đang duy trì giá kim loại quý ở mức cao. Thêm vào đó, việc các ngân hàng trung ương mua vàng cũng vẫn là yếu tố cơ bản tăng giá đối với kim loại màu vàng.

Dữ liệu kinh tế đáng chú ý là Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), loại trừ giá hàng hóa và năng lượng biến động và là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang, đã tăng 0,4% vào tháng trước so với mức tăng 0,3% của tháng 1.

Theo một số nhà kinh tế, dữ liệu lạm phát và tiêu dùng mới nhất sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang rơi vào thế khó khi áp lực lạm phát gia tăng nhưng hoạt động kinh tế lại chậm lại.

Một số nhà kinh tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi người tiêu dùng cảm nhận được tác động từ thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump và cuộc chiến thương mại toàn cầu sau đó.

Tuần qua, các nhà phân tích hàng hóa tại Bank of America đã tăng dự báo giá trong hai năm tới và cuối cùng thấy giá đạt 3.500 USD/ounce vào năm 2027. Tuy nhiên, xét đến đợt tăng giá hiện tại, triển vọng đó có vẻ hơi nhẹ.

Bank of America không phải là ngân hàng duy nhất nâng cao kỳ vọng. Goldman Sachs hiện kỳ vọng giá vàng sẽ kết thúc năm ở mức 3.300 USD/ounce. Ngân hàng Pháp Socíeté Générale cũng thấy vàng đạt mục tiêu đó vào năm 2025. Các nhà phân tích của họ thậm chí còn thấy con đường tiềm năng lên 4.000 USD/ounce nếu căng thẳng địa chính trị leo thang.

Các nhà phân tích cho biết: "Vàng vẫn là một động lực mạnh mẽ, trong bối cảnh việc định nghĩa lại địa chính trị dưới thời chính quyền Hoa Kỳ gây ra những phản ứng chính sách đáng kể".

Với mức giá khoảng 3.085,3 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 96,84 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 3,86 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 104,28 điểm.

Tỷ giá trung tâm cuối tuần qua được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.843 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.601 – 26.085 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.651 đồng/USD ở chiều mua vào và 26.035 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.370 – 25.760 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.860 đồng/USD và bán ra là 25.960 đồng/USD.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-vang-hom-nay-ngay-293-con-duong-tiem-nang-len-4000-usdounce-post366367.html