Giá vàng rơi mạnh sau 'ngày thương mại lớn nhất', dòng tiền đổ dồn vào một kênh

Giá vàng thế giới giảm mạnh, trong khi chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoàn tất ba thỏa thuận thương mại lớn với Nhật Bản, Philippines và Indonesia, đồng thời hé lộ tiến triển tích cực với EU.

Giá vàng, dầu lao dốc, chứng khoán lập kỷ lục

Ngày 23/7, thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến những biến động mạnh mẽ sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về ba thỏa thuận thương mại “khủng” với Nhật Bản, Philippines và Indonesia, cùng tín hiệu tích cực về một thỏa thuận sắp đạt được với Liên minh châu Âu (EU).

Những diễn biến này khiến giá vàng lập tức giảm mạnh, giá dầu tiếp tục lao dốc, trong khi chứng khoán Mỹ tăng vọt, thiết lập các mức đỉnh kỷ lục mới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/7 trên thị trường New York (rạng sáng 24/7 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 1,3%, xuống 3.387 USD/ounce, từ mức hơn 3.430 USD/ounce trong phiên trước. Hợp đồng vàng tương lai cũng giảm 1,4%, xuống dưới ngưỡng 3.400 USD/ounce.

Theo các chuyên gia, tâm lý ưa thích rủi ro gia tăng sau các thỏa thuận thương mại đã làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng, và chuyển hướng sang các tài sản rủi ro cao hơn.

Giá dầu cũng không nằm ngoài xu hướng giảm, mất giá phiên thứ 4 liên tiếp và hiện ở mức 65 USD/thùng với dầu WTI.

Giá vàng thế giới và trong nước giảm mạnh. Ảnh: Chí Hiếu

Giá vàng thế giới và trong nước giảm mạnh. Ảnh: Chí Hiếu

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ ghi nhận một phiên giao dịch bùng nổ. Chỉ số Dow Jones tăng gần 507 điểm, tương đương hơn 1,1%, lên trên 45.010 điểm, chỉ cách mức đỉnh kỷ lục khoảng 4 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên mức cao kỷ lục mới: 6.359 điểm. Đây là lần lập kỷ lục thứ 12 trong năm.

Đặc biệt, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,61%, lần đầu tiên khép phiên trên ngưỡng 21.000 điểm. Sự lạc quan trên Phố Wall được thúc đẩy bởi các thông tin thương mại tích cực, đặc biệt là thỏa thuận với Nhật Bản, vốn được Tổng thống Trump mô tả là “thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay”.

Dòng tiền đang dịch chuyển về đâu?

Có thể thấy, dòng tiền đang chuyển động rất nhanh, có xu hướng dịch chuyển tới các kênh đầu tư có độ rủi ro cao nhưng có khả năng sinh lời cao hơn, trong đó có cổ phiếu Mỹ và nhiều loại tiền số như Bitcoin. Yếu tố giúp dòng tiền dịch chuyển như vậy phần lớn từ các chính sách của chính quyền ông Donald Trump.

Hôm 23/7, Tổng thống Trump tuyên bố trên Truth Social rằng Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại “lớn nhất từ trước đến nay” với Nhật Bản, áp mức thuế đối ứng 15% lên hàng hóa Nhật Bản xuất sang Mỹ. Đổi lại, Nhật Bản cam kết đầu tư 550 tỷ USD và Mỹ nhận 90% lợi nhuận từ khoản đầu tư này.

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường cho một loạt mặt hàng như ô tô, xe tải, gạo và các nông sản khác. Việc Tokyo chấp nhận nhượng bộ với mặt hàng gạo - vốn là “lằn ranh đỏ” trong các cuộc đàm phán trước đây, cho thấy áp lực đáng kể từ chính quyền Tổng thống Trump.

Cùng ngày, Mỹ công bố mức thuế đối ứng 19% với hàng hóa nhập khẩu từ Philippines và Indonesia.

Với Philippines, thỏa thuận được hoàn tất sau chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., trong đó hàng hóa Mỹ xuất sang Philippines được miễn thuế hoàn toàn.

Đối với Indonesia, thỏa thuận bao gồm việc xóa bỏ các rào cản phi thuế quan, chấp nhận tiêu chuẩn an toàn xe cơ giới của Mỹ và bãi bỏ hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược. Những động thái này phản ánh chiến lược của chính quyền ông Trump nhằm định hình lại thương mại toàn cầu, ưu tiên lợi ích kinh tế Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi 22/7 là “ngày thương mại lớn nhất mọi thời đại”. Nguồn: WH

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi 22/7 là “ngày thương mại lớn nhất mọi thời đại”. Nguồn: WH

Ngoài ba thỏa thuận trên, Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại với EU, với mức thuế đối ứng 15% tương tự Nhật Bản. Các nhà ngoại giao cho biết EU và Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trước hạn chót 1/8, nhằm tránh mức thuế 30% mà Mỹ đe dọa áp dụng.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cũng đang chuẩn bị các biện pháp thuế trả đũa đối với 93 tỷ Euro hàng hóa Mỹ, cho thấy căng thẳng vẫn hiện hữu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bày tỏ lạc quan về đàm phán với Trung Quốc, với khả năng gia hạn thời hạn áp thuế quan trước ngày 12/8. Cuộc đàm phán tại Stockholm vào ngày 28-29/7 không chỉ tập trung vào thuế quan mà còn thảo luận về các vấn đề như tình trạng thừa sản xuất của Trung Quốc và việc mua dầu từ Nga, Iran. Những tiến triển này là kết quả của các vòng đàm phán căng thẳng sau cuộc gặp tại Geneva và London.

Các thỏa thuận thương mại này đã tạo ra một làn sóng ưa thích rủi ro trên thị trường tài chính. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh do kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và việc làm từ các khoản đầu tư lớn, đặc biệt từ Nhật Bản.

Giá vàng và dầu đều chịu áp lực giảm khi tâm lý trú ẩn an toàn suy yếu. Thông thường, vàng tăng giá trong bối cảnh bất ổn hoặc lãi suất thấp. Tuy nhiên, tâm lý ưa rủi ro gia tăng khiến dòng tiền đổ mạnh sang cổ phiếu, kéo giá vàng lao dốc.

Bên cạnh đó, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ không giảm trong cuộc họp cuối tháng 7, cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Giá dầu giảm do lo ngại về nhu cầu toàn cầu, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với EU và Trung Quốc vẫn chưa đạt kết quả cuối cùng. Ngoài ra, thông tin Mỹ xem xét trừng phạt dầu Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, nhưng tác động này chưa đủ để đảo ngược xu hướng giảm giá hiện tại.

Tại thị trường trong nước, sáng 24/7, giá vàng miếng 9999 của SJC và Doji giảm 700.000 đồng/lượng, xuống còn 120-122 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

SJC công bố giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 115-117,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 500.000 đồng và Doji niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 116,5-119 triệu đồng/lượng (mua - bán), cùng giảm 500.000 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-vang-roi-manh-sau-ngay-thuong-mai-lon-nhat-dong-tien-do-don-vao-mot-kenh-2425229.html