Giá vàng thế giới sẽ 'bắn phá' các đỉnh mới
Với triển vọng lãi suất giảm và lạm phát hạ nhiệt, giá vàng trong 2 năm liên tiếp được dự báo tăng không quay đầu, lướt qua mốc 2.100 USD/ounce và không loại trừ mốc 2.300 USD/ounce.
Đột phá vào nửa cuối năm 2024
Thị trường vàng thế giới thiết lập mức giá cao lịch sử là 2.135,39 USD/ounce vào tháng 12/2023, chủ yếu do USD suy yếu và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm 2024.
Còn theo lý giải của hãng dịch vụ tài chính lâu đời J.P. Morgan Chase (Mỹ), giá vàng tăng vọt trong vài tháng cuối năm 2023 sau khi thị trường chứng kiến đợt phục hồi mạnh mẽ nhờ lực mua vào của các ngân hàng trung ương và mối lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư về xung đột Israel - Hamas và Nga - Ukraine.
Sau chu kỳ tăng lãi suất kéo dài của Mỹ lên mức cao nhất trong 22 năm, các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed, đã hé mở ít nhất ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm từ mức cao nhất trong 40 năm.
J.P. Morgan Chase nhận diện, việc cắt giảm lãi suất của Fed và lãi suất thực tế của Mỹ giảm, một lần nữa sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy giá vàng năm nay.
Hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và dòng vốn từ các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là hai yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu vàng năm 2024.
“Hàng hóa khó có thể được hưởng lợi từ tình hình lạm phát lõi vào năm 2024. Lạm phát của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 3%, do đó, cùng với việc xác định thời điểm hợp lý cho chu kỳ kinh doanh, là hai điều kiện cần thiết để bắt đầu các vị thế mua vào, khiến triển vọng của ngành vàng trở nên có tính chiến thuật trong năm 2024”, bà Natasha Kaneva, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại J.P. Morgan Chase cho biết.
“Đối với các mặt hàng, trong năm thứ hai liên tiếp, dự đoán tăng giá cơ cấu duy nhất mà chúng tôi đưa ra là hai mặt hàng vàng và bạc”, bà Kaneva nhấn mạnh.
Sự bất ổn về kinh tế và địa chính trị có xu hướng trở thành động lực tích cực cho thị trường vàng, vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn nhờ khả năng duy trì kho lưu trữ giá trị đáng tin cậy của nhà đầu tư lẫn người mua nói chung.
“Trong tất cả các kim loại, chúng tôi có niềm tin cao nhất về dự báo tăng giá trung hạn cho cả vàng và bạc trong suốt năm 2024 và đến nửa đầu năm 2025, mặc dù thời điểm mua vào sẽ tiếp tục là vấn đề rất quan trọng”, ông Gregory Shearer, Giám đốc chiến lược kim loại cơ bản và kim loại quý tại J.P. Morgan nói.
“Hiện tại, vàng vẫn khá dồi dào so với lãi suất cơ bản cũng như các yếu tố cơ bản về ngoại hối (FX) và vẫn có vẻ dễ bị tổn thương trước một đợt giảm giá khiêm tốn khác trong thời gian tới, vì kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang diễn ra sớm hơn dự báo của chúng tôi”, ông Shearer lưu ý.
Chưa kể, bất kỳ sự sụt giảm nào của giá vàng trong những tháng tới đều có thể mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội mua vào và bắt đầu chuẩn bị cho một đợt phục hồi đột phá vào khoảng giữa năm 2024, khi tăng trưởng GDP của Mỹ chậm lại và kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất của Fed tăng lên.
Theo ước tính của J.P. Morgan Research, giá vàng sẽ đạt đỉnh 2.300 USD/ounce vào năm 2025, dựa trên giả định rằng, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed sẽ được khởi động với mức cắt giảm 125 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2024, đưa giá vàng danh nghĩa cán mốc mới.
Dự đoán trên cũng dựa theo các tính toán của Fed, trong đó có mục tiêu đưa lạm phát cơ bản của Mỹ giảm xuống còn 2,4% trong năm 2024 và 2,2% vào năm 2025, trước khi quay trở lại mục tiêu 2% vào năm 2026.
Các nhà kinh tế của J.P. Morgan dự đoán, đến quý II/2024, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại ở mức 0,5% so với quý trước. Điều này sẽ hối thúc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 và áp dụng mức cắt giảm 125 điểm cơ bản trong nửa cuối năm để tránh suy thoái kinh tế.
“Chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn này, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed và lãi suất thực tế của Mỹ giảm sẽ một lần nữa trở thành động lực thúc đẩy sự phục hồi đột phá của giá vàng vào cuối năm 2024. Mối quan hệ nghịch đảo giữa vàng và lãi suất thực đã suy yếu hơn sau các đợt tăng lãi suất của Fed, trước khi mối quan hệ này mạnh trở lại nhờ lợi suất trái phiếu giảm trong quá trình chuyển sang chu kỳ cắt giảm lãi suất”, ông Shearer nói.
J.P. Morgan dự báo, giá vàng sẽ cán mốc mới vào nửa cuối năm 2024 với giá trung bình là 2.175 USD/ounce trong quý IV/2024 và thậm chí cao hơn vào năm 2025 với đỉnh giá mới lên tới 2.300 USD/ounce trong quý III.
Trong khi đó, ngân hàng đa quốc gia Bank of America (Mỹ) dự báo, giá vàng sẽ giao dịch ở mức gần 2.200 USD/ounce vào tháng 12/2024. Dự đoán này dựa trên một số chỉ báo tăng giá, chẳng hạn xu hướng tăng hạn chế của USD, lợi suất sụt giảm gần đây của trái phiếu kho bạc Mỹ và bản khai báo cáo số lượng giao dịch của nhà đầu tư (CoT) do Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) tổng hợp.
Hai yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu vàng
Hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và dòng vốn từ các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là hai yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu vàng năm 2024.
Trong đó, động thái mua vào của các ngân hàng trung ương - yếu tố thúc đẩy giá vàng năm 2023 - sẽ tiếp tục là động lực chính cho giá vàng năm 2024, bên cạnh các đợt cắt giảm lãi suất của Fed và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Trung Quốc, đã mua ròng hơn 800 tấn vàng trong 3 quý đầu năm 2023. J.P. Morgan Research ước tính lượng mua vào của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm 2024 sẽ đạt 950 tấn, trong đó Trung Quốc vẫn mua vào lượng vàng đáng kể.
Ông Shearer cho rằng, vẫn còn cơ hội để tăng cường dự trữ tại một số ngân hàng trung ương khi các cơ quan này tìm cách đa dạng hóa tài sản dự trữ, do đó, hoạt động mua vào vàng có thể vẫn ở mức cao về mặt cơ cấu so với cuối những năm 2010.
Trong xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương, khẩu vị của nhà đầu tư đối với kim loại vàng tăng lên sẽ là nhân tố đóng góp chính cho bất kỳ đợt tăng giá nào trong năm 2024.
J.P. Morgan Research đánh giá, các nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều cơ hội để tăng vị thế mua vàng, thông qua các sàn giao dịch hoặc các ETF.
Tổng lượng vàng mà các ETF nắm giữ đã giảm đều đặn kể từ giữa năm 2022, do đó, việc kéo lại vị thế mua của nhà đầu tư (qua kênh sàn giao dịch và ETF) khi Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất như dự kiến sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường vàng thỏi và hỗ trợ cho các đợt tăng giá trong nửa cuối năm nay.
Ông Shearer cho biết: “Khi lãi suất giảm, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn từ kênh ETF gần đây sẽ đảo ngược và sự quay trở lại của dòng vốn ETF do bán lẻ dẫn đầu cũng thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư vàng, củng cố đà tăng giá. Việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào mạnh mẽ, cùng với nhu cầu thực chất tăng lên khi giá giảm có thể vẫn hỗ trợ đáng kể cho giá vàng trước những biến động cuối chu kỳ tăng lãi suất của Fed”.
Còn lời khuyên cho các nhà đầu tư là vẫn nên giao dịch vàng một cách thận trọng, ngay cả với triển vọng tích cực, theo nền tảng giao dịch ngoại hối Blueberry Markets (Australia). Các dự đoán giá vàng đều nêu bật triển vọng tích cực đối với thị trường này trong năm 2024, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố kinh tế vĩ mô, động lực thị trường và xu hướng lịch sử. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng và xem xét nhiều yếu tố khi đưa ra quyết định đầu tư vàng, vì điều kiện thị trường có thể thay đổi chóng vánh và các sự kiện không lường trước có thể ảnh hưởng đến hiệu suất sinh lời.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-vang-the-gioi-se-ban-pha-cac-dinh-moi-d209068.html