Giá vàng trong nước giảm mạnh sau yêu cầu điều hành mới nhất của Thủ tướng, dự báo về 107 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước hôm nay (26/5) điều chỉnh giảm đối với cả vàng miếng và vàng nhẫn. Theo đó, vàng miếng về 120 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn giao dịch quanh 115 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 26/5, giá vàng miếng tại hầu hết các thương hiệu điều chỉnh giảm 2 triệu chiều mua vào, 1 triệu đồng chiều bán ra, niêm yết ở mức 117– 120 triệu đồng/lượng. Riêng Phú Quý ổn định ở mức 118 – 121 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn cũng điều chỉnh giảm tại một số thương hiệu. Với mức giảm 1,5 triệu đồng chiều mua vào và 1 triệu đồng chiều bán ra, hầu hết các thương hiệu niêm yết quanh mức 115 triệu đồng/lượng chiều bán ra, Phú Quý vẫn neo ở mức 116 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước điều chỉnh giảm cả triệu đồng/lượng đối với cả vàng miếng và vàng nhẫn.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn khoảng 14 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn 9999 đang cao hơn khoảng 10 triệu đồng/lượng.
Trước sự chênh lệch quá lớn đối với thị trường thế giới, giá vàng trong nước dự báo sẽ có diễn biến mới sau các yêu cầu điều hành mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng (24/5), Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1-2%, không thể để trên 10% như vừa qua. Đồng thời, có giải pháp tăng cung và giảm cầu; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu; ngăn chặn việc thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường...
Theo tính toán của giới kinh doanh, nếu theo đúng chỉ đạo thì giá vàng trong nước sẽ phải về quanh mức 107 triệu đồng/lượng, tức giảm khoảng 13 triệu đồng/lượng so với mức hiện nay.
Trên thế giới, giá vàng quốc tế (XAU) hôm nay là 3.340,93 USD (cập nhật lúc 08:01:00 26/05/2025), giảm 0,64% trong 24 giờ qua, tương ứng với giảm 21,42 USD/Ounce.
Giá vàng thế giới đảo chiều giảm nhẹ sau một tuần giao dịch khởi sắc kết thúc tuần với mức tăng 5,1% - cao nhất trong hơn 2 tuần, khi các nhà đầu tư "đặt câu hỏi" về tính ổn định của trái phiếu toàn cầu, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nợ công không bền vững. Giá vàng cũng lên cao nhất 2 tuần, sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu mới với Apple và châu Âu.
Kết quả cuộc khảo sát giá vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy tâm lý tích cực đang lan rộng trên cả Phố Wall và giới đầu tư, sau khi giá vàng có tuần tăng mạnh. Đáng chú ý, tuần này không có bất kỳ chuyên gia nào đưa ra dự báo tiêu cực về giá vàng.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Rich Checkan của Asset Strategies International cho rằng, giá vàng đã được củng cố và hiện đã sẵn sàng tăng cao trở lại. Động thái đó sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn sau khi Moody’s hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ, nêu ra lo ngại về khoản nợ ngày càng tăng lên tới 36.000 tỷ USD của nước này.
Theo chiến lược gia thị trường chính Colin Cieszynski của SIA Wealth Management, căng thẳng thương mại tái diễn sẽ tốt cho giá vàng. “Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cứng rắn về thuế quan, tôi lạc quan về vàng trong những tuần này", ông nói.
Chiến lược gia thị trường cấp cao James Stanley của Forex.com nói rằng, ông vẫn giữ nguyên dự báo xu hướng giá trong thời gian qua. “Vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy xu hướng tăng giá đã kết thúc, vì vậy cho đến khi điều đó xảy ra, tôi sẽ mặc định theo xu hướng này”, Stanley nói.
Ông cho rằng, 3.500 USD/ounce là mức quan trọng khi giá đang dao động mạnh và đó là mức giá mà nhóm người mua cần vượt qua trước khi có thể bắt đầu tiến tới mức 4.000 USD/ounce.
Tuần này, giao dịch rút ngắn do thị trường nghỉ lễ Memorial Day vào thứ Hai (26/5), nhưng sẽ đầy ắp thông tin quan trọng, gồm đơn hàng hàng hóa của Mỹ, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ, quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ New Zealand, biên bản cuộc họp FOMC và chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).