Giá vàng và dầu giảm, thị trường chứng khoán nối dài đà tăng

Giá vàng thế giới và giá dầu đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 19/8, trong khi thị trường chứng khoán tăng điểm tiếp nối xu hướng lạc quan của tuần trước.

Vàng miếng được bán tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vàng miếng được bán tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 19/8, sau khi vượt qua mốc 2.500 USD/ounce trong phiên trước đó, do các nhà đầu tư chốt lời từ đà tăng kỷ lục.

Ngoài ra, tâm lý thận trọng của thị trường khi chờ đợi thêm tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như những diễn biến ở Trung Đông cũng kéo giá vàng giảm.

Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống mức 2.501,74 USD/ounce, so với mức cao kỷ lục 2.509,65 USD/ounce ghi nhận vào phiên cuối tuần trước. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ lại tăng nhẹ 0,1%, lên mức 2.541,30 USD/ounce.

Ông David Meger, Giám đốc đầu tư và giao dịch thay thế tại High Ridge Futures, cho biết: "Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến xu hướng thoái lui trên thị trường vàng vì các nhà giao dịch có thể thất vọng nếu Fed chỉ đưa ra khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và không gợi ý về khả năng cắt giảm 0,5 điểm phần trăm."

Trọng tâm sẽ chuyển sang biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed, dự kiến được công bố vào ngày 21/8, và bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell tại Hội nghị các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole vào cuối tuần.

Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá vàng có thể rơi xuống phạm vi 2.479-2.487 USD/ounce, sau khi không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 2.507 USD/ounce.

Tuy nhiên, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết giá vàng có thể tăng cao trong những tháng tới, có khả năng đạt 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay, đồng thời mọi con mắt sẽ đổ dồn vào bất kỳ dấu hiệu nào về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.

Một số ngân hàng Trung Quốc đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng mới, do vậy giới phân tích nhận định nhu cầu tiêu thụ vàng của nước này sẽ phục hồi bất chấp giá cao kỷ lục.

Nhu cầu vàng cũng tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị “nóng” lên, ở Trung Đông thúc đẩy hoạt động mua tài sản trú ẩn an toàn.

Cùng ngày, giá bạc tăng 0,8% lên 29,24 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,3% lên 957,57 USD/ounce, trong khi giá palladium giảm 2,1% xuống 930,92 USD/ounce.

Tại Việt Nam, cuối phiên 19/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,00-80,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Chứng khoán nối dài đà tăng

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch 19/8 tiếp nối xu hướng lạc quan của tuần trước. Thị trường đang chờ đợi kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ Mỹ và những bình luận của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách lãi suất.

 Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khép phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% lên 40.896,53 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1% lên 5.608,25 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,4% lên 17.876,77 điểm.

Dữ liệu tích cực tuần trước đã làm dịu những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ sau khi thị trường bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng này do lo ngại suy thoái và việc Nhật Bản tăng lãi suất.

Kết quả kinh doanh từ các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn tại Mỹ như Target, Lowe's và TJX trong tuần này sẽ cung cấp thêm thông tin về tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau dữ liệu bán lẻ khả quan vào tuần trước.

Hiện tại, các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý vào hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương diễn ra tại Jackson Hole, Wyoming trong tuần này. Điểm nhấn sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào thứ Sáu (23/8). Các nhà đầu tư hy vọng rằng ông sẽ đưa ra tín hiệu cắt giảm lãi suất cho cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào tháng 9/2024.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) lúc đóng cửa tăng 0,6% lên 8.356,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) tăng 0,7% lên 7.502,01 điểm, chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,5% lên 18.421,69 điểm, còn chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,6% lên 4.871,41 điểm.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên 19/8, chỉ số VN-Index tăng 9,39 điểm (0,75%) lên 1.261,62 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,86 điểm (0,37%) lên 236,01 điểm.

Giá dầu thế giới giảm

Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch 19/8, giữa bối cảnh triển vọng đàm phán hòa bình Trung Đông có tiến triển làm giảm rủi ro về nguồn cung năng lượng, trong khi các dấu hiệu thiếu lạc quan về kinh tế Trung Quốc tác động tới nhu cầu tiêu thụ "vàng đen."

Cuối phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,02 USD, tương đương 2,5%, xuống mức 77,66 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng mất 2,28 USD, tương đương 3%, xuống mức 74,37 USD/thùng.

 Cơ sở lọc dầu Sepehr và Jafir ở Đông Nam Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Cơ sở lọc dầu Sepehr và Jafir ở Đông Nam Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng kỳ hạn tại ngân hàng Mizuho ở New York, cho biết: “Thị trường dầu mỏ đang chịu áp lực đi xuống do kỳ vọng các cuộc đàm phán ngừng bắn sắp đạt được kết quả.”

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày cho biết, nỗ lực ngoại giao mới nhất của Washington nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza "có lẽ là cơ hội tốt nhất, có thể là cơ hội cuối cùng" và kêu gọi tất cả các bên liên quan đạt được thỏa thuận này.

Chuyên gia Jim Ritterbusch từ công ty tư vấn năng lượng độc lập Ritterbusch & Associates ở Florida cho biết: “Phần lớn hoạt động bán tháo trong tuần qua trên thị trường năng lượng đã thể hiện sự giảm phí bảo hiểm rủi ro ở Trung Đông.”

Bên cạnh đó, các vấn đề kinh tế của Trung Quốc cũng gây áp lực giảm cho giá dầu, giữa bối cảnh các dữ liệu tuần trước cho thấy giá nhà mới ở nước này giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã cắt giảm mạnh công suất xử lý dầu thô trong tháng trước khi nhu cầu nhiên liệu suy yếu.

Cả hai loại dầu thô chủ chốt đều giảm gần 2% vào phiên cuối tuần trước, do các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc, nhưng kết thúc tuần hầu như không thay đổi so với tuần trước đó, sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy lạm phát đang ở mức vừa phải mặc dù chi tiêu bán lẻ mạnh mẽ. Thêm vào đó, mùa lái xe cao điểm ở Mỹ sắp kết thúc cũng là một yếu tố khác gây bất lợi cho giá dầu.

Tuy nhiên, rủi ro nguồn cung từ căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông và leo thang xung đột Nga-Ukraine đang củng cố thị trường. Các nhà đầu tư năng lượng cũng đang chờ đợi manh mối về quyết sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất.

Phần lớn các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters cho biết họ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp trong ba cuộc họp còn lại trong năm nay, nhiều hơn một lần so với dự đoán vào tháng trước và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế là khó xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/gia-vang-va-dau-giam-thi-truong-chung-khoan-noi-dai-da-tang-post971423.vnp