Gia vị phổ biến ở Việt Nam cực kỳ đa dụng tại Ấn Độ
Củ nghệ (Curcuma domestica) có nguồn gốc từ Nam Á, được trồng hàng ngàn năm, là một trong những loại gia vị vô cùng phổ biến ở Việt Nam.
Bản thân từ “nghệ” trong tiếng Phạn là một từ đồng nghĩa với màu vàng. Các tên khác của nó ở châu Á, chẳng hạn như halud hoặc haldi, cũng có liên quan trực tiếp đến màu vàng.
Cây nghệ có lá rộng và rễ củ trông giống như củ gừng nhưng nếu cắt ngang phần gốc sẽ thấy bên trong cứng màu vàng. Củ nghệ có thể được sấy khô và nghiền thành bột màu vàng thơm, có vị hơi đắng, có khả năng chữa bệnh.
Khi loại gia vị này xuất hiện ở Ấn Độ, nó trở nên nổi bật và được sử dụng trong hầu hết các mặt của đời sống xã hội: trong các nghi lễ gia đình, trong y học và như một sản phẩm chăm sóc da.
Hàng ngàn năm trước, nếu có người bị ốm ở lục địa Ấn Độ, họ sẽ đến gặp thầy lang trong làng và trình bày về bệnh tật của mình.
Thầy lang sẽ tư vấn cho người bệnh một phương pháp điều trị và thông thường trong thành phần đều bao gồm nghệ, cho dù là để điều trị vết thương, bệnh vàng da hay thậm chí là với công dụng an thần.
Trong tiểu thuyết Mistress of Spice, Chitra Banerji Diwakaruni đề cập đến vai trò của củ nghệ trong nghi lễ như một vị ân nhân thần bí với đặc tính bảo vệ. Nhà văn viết: “Củ nghệ là người bảo vệ an toàn thực phẩm ở một vùng đất nóng bức và đói kém”.
Cho đến ngày nay, củ nghệ tiếp tục đóng một vai trò phổ biến trong các nghi lễ kết hôn của người Ấn Độ trên khắp đất nước, đặc biệt là trong các nghi lễ của đạo Hindu.
Thông thường, theo phong tục, các cặp vợ chồng mới cưới được bôi một lớp bột nghệ đặc vài ngày trước đám cưới. Điều này được cho là có mục đích kép: loại gia vị này bảo vệ cặp đôi khỏi những linh hồn xấu xa và được cho là mang lại cho họ hạnh phúc, sự giàu có và con cái.
Ở một số khu vực của Ấn Độ, những nghi thức này chỉ được thực hiện bởi phụ nữ.
Trong quá khứ, nghệ cũng được sử dụng trong hủ tục Sati, trong đó góa phụ phải tự tử theo chồng bằng cách thiêu sống trên cọc. Trước khi đạo luật này bị cấm vào thế kỷ 19, phụ nữ Ấn Độ vẫn bị thiêu sống trong những tấm vải liệm nhuộm màu vàng nghệ.
Giống như nghệ tây ở Địa Trung Hải, màu vàng của nghệ mang ý nghĩa khiêu gợi trong văn hóa Ấn Độ.
Trong cuốn sách Local Uses of Turmeric in Asia and Oceania, David Sofer viết: “Trong văn học cổ điển Ấn Độ, các chủ đề khiêu gợi gắn liền với những bông hoa màu vàng. Một người phụ nữ được coi là đặc biệt quyến rũ khi khuôn mặt và cơ thể của cô ấy được sơn màu vàng sáng. Những người theo đạo Hindu sử dụng rộng rãi nghệ trong chăm sóc da. Truyền thống thoa sắc tố màu vàng lên da bắt đầu từ thời cổ đại và tiếp tục cho đến ngày nay”.
Các nghiên cứu lâm sàng gần đây phát hiện trong thành phần của củ nghệ có một loại một hoạt chất được gọi là curcumin, có hiệu quả như thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng trong việc làm giảm cứng khớp và sưng trong viêm khớp dạng thấp.
Hiện nay, khoa học hiện đại vẫn đang tiếp tục các công trình nghiên cứu về loại củ thần kỳ này.