Giá xăng, dầu giảm – Doanh nghiệp vận tải chưa hết lo

Trong 2 tháng vừa qua, các doanh nghiệp (DN) vận tải đón nhận tin mừng khi giá xăng, dầu giảm 5 lần liên tiếp với mức dao động giảm từ 7.000 đồng – 8.000 đồng/1 lít. Tuy nhiên, giá nhiên liệu chỉ chiếm 40% - 45% chi phí vận tải đường bộ, các chi phí khác vẫn rất cao, trong khi thị trường xăng, dầu chưa ổn định, chính sách giảm thuế của Nhà nước đối với mặt hàng này chỉ kéo dài đến hết năm 2022. Do đó, giá xăng, dầu đã giảm trong khoảng thời gian khá dài nhưng hiện nay, nhiều DN vận tải vẫn đang gặp khó khăn, loay hoay tìm giải pháp bù lỗ.

Mặc dù giá xăng, dầu giảm xong nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn chưa thể bù lỗ. Ảnh chụp tại công ty Cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh, hoạt động trong lĩnh vực Logistics tại phường Phúc Thắng (Phúc Yên), hiện đang tạo việc làm cho gần 100 lao động với hàng chục đầu xe vận chuyển các loại.Ảnh: Nguyễn Lượng

Mặc dù giá xăng, dầu giảm xong nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn chưa thể bù lỗ. Ảnh chụp tại công ty Cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh, hoạt động trong lĩnh vực Logistics tại phường Phúc Thắng (Phúc Yên), hiện đang tạo việc làm cho gần 100 lao động với hàng chục đầu xe vận chuyển các loại.Ảnh: Nguyễn Lượng

Nguy cơ không hoàn thành mục tiêu

Đến hết tháng 8/2022, doanh thu của Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh (MTO), hoạt động trong lĩnh vực logistics tại phường Phúc Thắng (Phúc Yên) mới chỉ đạt 45% mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2022. Chỉ còn gần 4 tháng nữa là kết thúc năm, công ty đứng trước nguy cơ không hoàn thành mục tiêu kinh doanh theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc MTO cho biết: “Trong 2 năm vừa qua, trước tác động bởi dịch bệnh Covid – 19, chi phí hoạt động tăng cao khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm đáng kể, kế hoạch mở rộng quy mô của công ty cũng vì thế mà chưa thực hiện được.

Mặc dù vậy, để giữ chân khách hàng, công ty gần như chưa điều chỉnh giá cước vận chuyển, “lấy công làm lãi” để duy trì hoạt động. Sau khi giá xăng, dầu giảm, DN vận tải đã “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, các chi phí hoạt động khác vẫn chưa có chiều hướng hạ nhiệt.

Năm 2022, công ty đã phải điều chỉnh tăng 10% phí thuê nhân công do chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển tăng. Ngoài ra, giá thuê đơn vị vận chuyển sang khu vực nước ngoài đã tăng gấp đôi so với năm 2021 nhưng chưa có dấu hiệu giảm; đơn cử như giá cước vận chuyển hàng hóa sang Nhật Bản qua đường biển, trung bình tăng từ 500 USD/1 container lên 1.000 USD/ 1 container. Theo tính toán sơ bộ, trong 2 tháng vừa qua, giá xăng, dầu có giảm, song công ty chưa thể bù lỗ”.

Cũng trong tình trạng “lấy công làm lãi”, trong 2 năm trở lại đây, Công ty TNHH Thiên Đức, chuyên cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, xã Định Trung (Vĩnh Yên) đã phải cắt giảm tới hơn 130 đầu xe vì không duy trì được chi phí hoạt động.

Ông Dương Quốc Tuấn, Quản lý đội xe của công ty cho biết: “Giá xăng tăng thì DN vận tải hành khách khó tăng giá, nhưng giá xăng giảm buộc DN phải điều chỉnh giá cước ngay để giữ chân khách hàng.

Trên thực tế, khi giá xăng tăng từ 7.000 đồng – 8.000 đồng/lít, hầu hết các hãng taxi chỉ tăng từ 1.000 đồng – 2.000 đồng cước vận chuyển/1 km, vì theo quy định, DN vận tải chỉ được điều chỉnh tối đa 10% giá cước vận chuyển. Trong khi đó, không chỉ giá xăng, dầu tăng, các chi phí về nhân công, vận hành, bảo dưỡng xe cũng tăng, đẩy DN rơi vào khó khăn trong thời gian dài, khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn”.

Cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp

Theo ghi nhận, trong nửa đầu năm 2022, giá xăng, dầu liên tục tăng từ 23.000 đồng/lít và lập đỉnh vào tháng 6 khi "chạm ngưỡng" 32.800 đồng/lít đối với xăng và 30.000 đồng/lít đối với dầu.

Từ cuối tháng 6/2022, giá xăng, dầu bắt đầu hạ nhiệt, sau 5 lần giảm giá liên tiếp, giá xăng, dầu đã về mức từ 23.000 đồng – 24.600 đồng/lít, tương đương với cùng kỳ năm 2021.

Trên thực tế, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giá xăng, dầu chỉ chiếm khoảng 40% - 45% tổng chi phí cho hoạt động vận tải, ngoài giá xăng, còn có các chi phí như cầu đường, kho bãi, nhân công, vận hành và bảo dưỡng phương tiện…

Chi phí vận tải tăng do phần lớn các DN vận tải hàng hóa vẫn phải thực hiện giao dịch qua trung gian, tỷ lệ xe chạy “rỗng” chiều về cao, một số DN vẫn chưa giám sát được đội xe bằng công nghệ.

Mặt khác, thị trường xăng, dầu trong thời gian qua không ổn định, giá xăng, dầu giảm một phần nhờ nỗ lực của Nhà nước trong việc bình ổn giá mặt hàng này, đặc biệt là chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu từ ngày 1/4/2022.

Hiện nay, giá dầu thô trên thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, trong khi đó, chính sách giảm thuế xăng, dầu đến hết năm 2022 là hết hiệu lực. Như vậy trong thời gian tới, giá xăng, dầu rất có thể sẽ tăng trở lại.

Để hỗ trợ DN vận tải, ngoài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được Chính phủ ban hành, vừa qua, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giảm một số loại phí, lệ phí trong lĩnh vực GTVT. Mặt khác, trong thời điểm giá xăng, dầu có nhiều biến động, các DN vận tải cần tìm giải pháp ứng phó và có chiến lược kinh doanh lâu dài.

Trước hết, cần đánh giá rủi ro hiện tại, kiểm soát chặt chẽ và quản lý hiệu quả quy trình vận chuyển; xem xét mạng lưới phân phối, vận hành, giám sát hệ thống, nguồn lực trong và ngoài ảnh hưởng đến kinh doanh; tăng cường liên kết trong Hiệp hội vận tải, hạn chế giao nhận hàng rải rác, tăng tỷ lệ hàng hóa vận tải 2 chiều, đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định giá cước, nắm bắt cơ hội nhu cầu vận tải tăng cao trong dịp cuối năm.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82593/gia-xang-dau-giam--doanh-nghiep-van-tai-chua-het-lo.html