Giá xăng dầu hôm nay 1/1/2025: giá xăng dầu thế giới leo dốc

Giá xăng dầu thế giới leo dốc ở phiên cuối cùng của năm 2024, nhưng ghi nhận một năm 'hạ nhiệt'. Giá xăng dầu trong nước có thể sẽ quay đầu tăng.

Giá xăng dầu thế giới leo dốc. Ảnh: Int

Giá xăng dầu thế giới leo dốc. Ảnh: Int

Giá xăng dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024 (ngày 31/12), giá dầu tăng khoảng 1% khi Quân đội Mỹ cho biết, họ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Sanaa và các địa điểm ven biển ở Yemen trong hai ngày 30 và 31/12/2024.

Trong năm qua, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã tấn công các tuyến vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ, để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine, trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài ở Dải Gaza vẫn chưa có hồi kết, đe dọa dòng chảy dầu mỏ toàn cầu.

Giá dầu Brent tăng 65 cent, tương đương 0,88%, lên mức 74,64 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 73 cent, tương đương 1,03%, lên mức 71,72 USD/thùng.

Tính cả năm, giá dầu Brent giảm khoảng 3% (năm 2023, giá dầu Brent đóng cửa ở mức 77,04 USD/thùng), giảm năm thứ hai liên tiếp, do nhu cầu phục hồi sau đại dịch bị đình trệ, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, Mỹ và các nhà sản xuất khác ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu thô vào thị trường toàn cầu, vốn có nguồn cung dồi dào.

Trong khi đó, giá dầu WTI gần như không đổi so với mức giá đóng cửa cuối cùng của năm ngoái.

Hồi tháng 9/2024, giá dầu Brent đóng cửa ở mức dưới 70 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021. Năm 2024, giá dầu Brent nhìn chung được giao dịch dưới mức cao nhất trong vài năm qua, khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch và cú sốc giá do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine ngày một phai nhạt.

Theo kết quả cuộc thăm dò hàng tháng của Reuters, giá dầu có khả năng sẽ giao dịch ở mức khoảng 70 USD/thùng trong năm nay, do nhu cầu yếu của Trung Quốc và nguồn cung toàn cầu tăng, bù đắp cho những nỗ lực củng cố thị trường của OPEC và các đồng minh (OPEC+).

Triển vọng nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc nói riêng đã buộc cả OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) phải cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025.

IEA dự báo, thị trường dầu mỏ sẽ bước vào năm 2025 với tình trạng thặng dư, kể cả khi OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho đến tháng 4/2025 trong bối cảnh giá dầu giảm.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 259.000 thùng/ngày, lên mức cao kỷ lục 13,46 triệu thùng/ngày hồi tháng 10/2024, khi nhu cầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đại dịch Covid-19.

EIA cho biết, sản lượng dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục mới là 13,52 triệu thùng/ngày trong năm 2025.

Năm 2025, các nhà đầu tư sẽ theo dõi triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm sau, khi các nhà hoạch định chính sách của Fed trong tháng 12/2024 dự báo lộ trình cắt giảm lãi suất sẽ chậm lại do lạm phát vẫn ở mức cao. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Một số nhà phân tích vẫn tin rằng, nguồn cung có thể thắt chặt vào năm tới tùy thuộc vào chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bao gồm cả chính sách trừng phạt. Ông đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và có thể áp dụng lại cái gọi là "chính sách gây áp lực tối đa" đối với Iran, điều này có thể tác động lớn đến thị trường dầu mỏ.

Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group nhận xét, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ thắt chặt trong năm 2025, với khả năng ông Donald Trump sẽ áp lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với dầu mỏ Iran khi ông nhậm chức trong tháng 1. Cũng theo nhà phân tích này, nhu cầu từ Ấn Độ đang ngày càng tăng và dữ liệu sản xuất gần đây của Trung Quốc mạnh hơn.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12/2024, mặc dù với tốc độ chậm hơn, cho thấy một loạt các biện pháp kích thích mới đang giúp hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1/1/2025 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 26/12 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 427 đồng/lít, xuống còn 19.817 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 457 đồng/lít, xuống còn 20.547 đồng/lít.

Giá dầu diesel 0.05S: giảm 103 đồng/lít, xuống còn 18.630 đồng/lít; dầu hỏa giảm 260 đồng/lít, xuống còn 18.708 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 67 đồng/kg, ở mức 15.970 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 51 phiên điều chỉnh, trong đó có 24 phiên giảm, 20 phiên tăng và 8 phiên trái chiều.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-xang-dau-hom-nay-112025-gia-xang-dau-the-gioi-leo-doc-405883.html