Giá xăng dầu hôm nay 15/8: Giá dầu thế giới tiếp đà giảm
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 ở mức 81,29 USD/thùng, giảm 0,08 USD trong phiên và giảm 0,31 USD/thùng...
Giá dầu thế giới hôm nay
Giá dầu thế giới ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/8, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 ở mức 81,29 USD/thùng, giảm 0,08 USD trong phiên và giảm 0,31 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 14/8.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2023 đứng ở mức 86,14 USD/thùng, giảm 0,07 USD trong phiên và giảm 0,22 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 14/8.
Giá dầu thế giới hôm nay (15/8) tiếp tục giảm nhẹ khi các nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi nền kinh tế vốn đang chững lại của Trung Quốc và đồng đô la Mỹ đang trở nên mạnh hơn gây áp lực cho nhu cầu dầu mỏ.
Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1. Cũng trong tháng 7, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 12,4%, xuất khẩu cũng giảm 14,5% và quốc gia này đang ghi nhận nhu cầu tiêu dùng nội địa suy yếu.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group cho rằng những người tham gia thị trường đang phải cân nhắc sự cân bằng giữa cung - cầu chặt chẽ trước các dấu hiệu nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc.
Vandana Hari, nhà phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights cho biết: “Thị trường có thể sẽ có điều chỉnh khi dầu thô đã ở trong vùng quá mua trong một thời gian. Loại trừ những cơn gió ngược về kinh tế ở khu vực đồng euro và Trung Quốc, những diễn biến tiếp theo của giá dầu có thể phụ thuộc vào sự lạc quan của kinh tế của Mỹ”.
Chịu áp lực từ giá dầu, chỉ số đô la Mỹ (.DXY) đã mở rộng mức tăng sau khi giá sản xuất của Mỹ tăng mạnh hơn trong tháng 7. Điều này đã nâng lãi suất trái phiếu kho bạc bất chấp kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Đồng đô la mạnh hơn đang gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ bằng cách làm cho hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Xê-út, Nga và một số nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ làm giảm lượng dầu tồn kho của các quốc gia khác trong thời gian còn lại của năm, từ đó có khả năng đẩy giá dầu lên cao hơn.
Xung quanh Biển Đen, các tàu buôn dầu vẫn đang phải lùi lại trong các tuyến vào hôm 14/8 khi các cảng đang cố gắng giải quyết lượng hàng tồn đọng sau thời điểm tàu chiến Nga nổ súng cảnh cáo một tàu chở hàng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 15/8 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h00 ngày 11/8 của Liên Bộ Tài Chính - Công Thương. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối 2 mặt hàng xăng, dừng chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut.
Sau khi thực hiện việc không trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92, không cao hơn 22.822 đồng/lít (tăng 31 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.171 đồng/lít; xăng RON95-III, không cao hơn 23.993 đồng/lít (tăng 30 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu diesel 0.05S, không cao hơn 22.425 đồng/lít (tăng 1.813 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); dầu hỏa, không cao hơn 21.889 đồng/lít (tăng 1.619 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.668 đồng/kg (tăng 1.137 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.