Giá xăng dầu hôm nay 22/12/2024: giá xăng dầu thế giới quay lại đà giảm tuần
Giá xăng dầu thế giới đã tìm lại được đà giảm tuần sau cú bật tăng ở tuần trước đó. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước đã đồng loạt tăng.
Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu tuần này quay đầu đảo chiều, “trượt dốc” khoảng 2,5% sau khi tăng mạnh trong tuần trước.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm 0,8%, trượt khỏi mức cao nhất trong nhiều tuần, do chi tiêu tiêu dùng yếu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - Trung Quốc, và việc các nhà đầu tư tạm dừng mua trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong tháng 11, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc, thước đo tiêu dùng tăng 3% - mức thấp nhất trong 3 tháng và giảm 1,8% so với hồi tháng 10.
Giá dầu duy trì mức giảm thêm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Lo ngại về nhu cầu sau các dữ liệu kinh tế từ Đức và Trung Quốc tiếp tục phủ bóng “đỏ” lên giá dầu.
Hỗ trợ giá dầu bật tăng nhẹ tối đa 50 cent ở phiên giao dịch thứ 3 là mức tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 900.000 thùng và Fed cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trước khi kết thúc năm 2024. Trong phiên, tín hiệu từ Fed cho thấy sẽ làm chậm tốc độ giảm chi phí đi vay, do tỷ lệ thất nghiệp tương đối ổn định và lạm phát ít cải thiện, đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ chỉ thực hiện 2 đợt cắt giảm lãi suất, với tổng điểm cơ bản là 50, vào cuối năm sau.
Giá dầu đã nhanh chóng tìm lại đà giảm thêm gần 1% ở phiên giao dịch thứ 4 bởi lo ngại nhu cầu dầu giảm trong năm 2025 do hoạt động kinh tế yếu kém sau khi các Ngân hàng Trung ương ở Mỹ và châu Âu phát tín hiệu thận trọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Với mức tăng trong khoảng 6-8 cent, giá dầu gần như đi ngang ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Sự dịch chuyển gần như không đổi này của giá dầu là do thị trường cân nhắc nhu cầu của Trung Quốc và kỳ vọng cắt giảm lãi suất sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt.
Theo Oilprice, Tập đoàn lọc dầu nhà nước Sinopec của Trung Quốc dự kiến mức tiêu thụ dầu của nước này sẽ đạt đỉnh 16 triệu thùng/ngày vào năm 2027 với sự tăng trưởng chỉ đến từ ngành hóa dầu, vì cả xăng và dầu diesel dự kiến sẽ giảm vào năm tới, lần lượt 2,4% và 5,5%.
Trong khi đó, Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 11, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ tăng 0,4%; PCE cốt lõi tăng 0,1% - mức tăng nhỏ nhất trong 6 tháng, nhưng mức tăng hằng năm của lạm phát cốt lõi vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Với 3 phiên giảm, 2 phiên “leo dốc” nhẹ, giá dầu đã ghi nhận tuần giảm, bắt đầu lại hành trình tìm kiếm “hat-trick” giảm tuần vốn bị bỏ lỡ vào tuần trước.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 22/12/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 19/12 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 383 đồng/lít, lên mức 20.244 đồng/lít; riêng xăng RON 95 tăng 408 đồng/lít, lên mức 21.004 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S: tăng 478 đồng/lít, lên mức 18.733 đồng/lít; dầu hỏa tăng 402 đồng/lít, lên mức 18.968 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 329 đồng/kg, lên mức 15.903 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 50 phiên điều chỉnh, trong đó có 23 phiên giảm, 20 phiên tăng và 8 phiên trái chiều.