Giá xăng, dầu liên tiếp giảm, vì sao cước vận tải vẫn đứng yên?
Dù giá xăng, dầu đã có hai phiên liên tiếp giảm nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn kêu khó khăn và chưa nhiều doanh nghiệp đề xuất giảm giá cước
Giá nhiên liệu giảm 2 phiên liên tiếp, cơ cấu chi phí vận tải có thay đổi?
6 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của Bộ GTVT đánh giá những tác động của biến động giá nhiên liệu đối với giá dịch vụ vận tải cho thấy: Giá xăng dầu đã tăng 27% so với đầu năm và 50% so với giá xăng bình quân năm 2021, tăng liên tiếp trong 10 kỳ.
Chi phí nhiên liệu thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải (bình quân 35 - 50% tùy theo phương thức vận tải và giá nhiên liệu đầu vào) nên việc tăng giá xăng dầu tạo áp lực rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách trên cả nước.
“Đối với vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% chi phí hoạt động nhưng với giá xăng dầu hiện nay, chi phí này lên tới 40 - 45%. Do vậy, trong tháng 2 và 3/2022, khoảng 80 - 90% doanh nghiệp xe khách liên tỉnh đã kê khai tăng giá cước với mức tăng từ 10 - 15% (tùy theo cự ly tuyến), giá cước chở hàng bằng ôtô cũng tăng từ 7 - 10%. Còn xe buýt tại các đô thị được trợ giá nên giá vé ổn định nhưng giá nhiên liệu sẽ làm tăng chi phí trợ giá”, Bộ GTVT cho hay.
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Yên Bái cũng cho biết, qua nắm bắt từ các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, kể từ khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, chi phí nhiên liệu trung bình chiếm đến 46% trong chi phí hoạt động của các doanh nghiệp.
Còn theo đại diện Hiệp hội vận tải tỉnh Yên Bái, tùy từng tuyến vận tải, loại phương tiện và cự ly tuyến, chi phí nhiên liệu sẽ chiếm một tỉ trọng khác nhau trong chi phí hoạt động. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu lập đỉnh, nhiều doanh nghiệp phải “gồng lỗ” khi chi phí nhiên liệu chiếm tới 50% chi phí hoạt động.
Chưa kể tiền vận hành, bảo dưỡng phương tiện, tiền lương cho nhân viên, tiền bến bãi và các loại thuế khiến nhiều doanh nghiệp phải gắng gượng hoạt động cầm chừng.
Đặc biệt, dù giá nhiên liệu tăng chóng mặt nhưng ngoại trừ hãng xe Việt Phương (chuyên tuyến Hà Nội - Yên Bái) có đề xuất tăng giá cước vận tải dù không nhiều, đa số các doanh nghiệp vận tải ở Yên Bái không tăng giá cước vận tải trong thời gian qua.
“
Bên cạnh đường bộ, báo cáo của Bộ GTVT cũng cho biết, đối với đường sắt, theo kế hoạch vận tải năm 2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%, tuy nhiên do tác động của việc tăng giá nhiên liệu, hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 29% và làm tăng chi phí vận tải lên 15% - 20% so với kế hoạch ban đầu.
Đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu hiện nay đang chiếm khoảng 45% - 50% chi phí vận tải và 32% - 35% giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hải, giá cước đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9/2021 và giảm dần, đến nay mức giá giảm khoảng 20-25% so với thời kỳ đỉnh điểm.
Theo báo cáo của các hãng hàng không, hiện nay chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng khoảng 30 - 42% tổng chi phí chuyến bay của các hãng. Do giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng cao, các hãng hàng không đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa.
”
“Nguyên nhân bởi sự xuất hiện của loại hình xe đi ghép, xe đi chung khiến lượng hành khách các tuyến cố định giảm mạnh, nếu tăng giá vé sẽ càng khiến nhà xe mất khách và không thể cầm cự được”, đại diện Hiệp hội vận tải Yên Bái cho biết.
Cũng bởi vì không tăng giá cước vận tải khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp nên đến nay khi giá nhiên liệu giảm liền 2 phiên, tại Yên Bái, chưa có doanh nghiệp vận tải nào đề xuất giảm cước vận tải.
“Giá nhiên liệu giảm nhưng không tác động nhiều đến tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong cơ cấu chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vận tải tại Yên Bái so với thời điểm giá xăng tăng cao và đạt đỉnh vừa qua.
Bởi giá cước vận tải hiện nay vẫn áp dụng giá cũ từ khi giá xăng, dầu chỉ dưới 20.000 đồng/lít và các doanh nghiệp hiện nay chỉ đang trong trạng thái hoạt động “dễ thở” hơn chứ chưa hoạt động ổn định, chứ chưa nói đến có lãi để giảm giá cước”, đại diện Hiệp hội vận tải Yên Bái nói thêm.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vận tải trong hiệp hội đa phần mới chỉ tăng giá cước vận tải một lần trong suốt quá trình giá nhiên liệu tăng cao vừa qua, thời điểm giá xăng, dầu khoảng 22.000 đồng/lít. Giá cước này được điều chỉnh dựa trên sự cân đối với mức giá nhiên liệu này.
Khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp và đạt đỉnh trên 32.000 đồng/lít, chưa doanh nghiệp vận tải nào đề xuất tăng giá cước vận tải thêm lần hai.
Đến nay, dù đã có 2 kỳ giảm liên tiếp, giá xăng, dầu hiện vẫn trên 25.000 đồng/lít, cao hơn thời điểm các doanh nghiệp tăng giá cước vận tải, do đó, chỉ giúp các doanh nghiệp bớt đi được phần nào khó khăn chứ chưa đủ để giảm giá cước vận tải.
“Khi giá xăng dầu đạt mức trên 30.000 đồng/lít, chi phí nhiên liệu chiếm đến hơn 50% cơ cấu chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Đến nay, khi giá xăng, dầu đã giảm, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu chi phí hoạt động đã giảm nhưng không nhiều, nhiên liệu hiện vẫn chiếm khoảng 45% tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vận tải”, đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay.
Cần có kế hoạch và lộ trình để giảm giá cước vận tải một cách phù hợp
Đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Lào Cai cho biết, giá xăng dầu nếu tiếp tục giảm trong các phiên tiếp theo, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cũng sẽ giảm giá cước vận tải cho phù hợp.
Tuy nhiên, hiện giá xăng, dầu mới giảm 2 phiên liên tiếp và vẫn còn ở mức khá cao, Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Lào Cai hiện chưa nhận được đề xuất giảm giá cước vận tải của các doanh nghiệp trên địa bàn.
“Giá xăng giảm chưa lâu và sẽ còn biến động trong các phiên điều chỉnh tiếp theo. Các doanh nghiệp cũng cần có quá trình nghiên cứu, lên kế hoạch để lập lại phương án giá mới sao cho phù hợp với cơ cấu chi phí hoạt động vận tải của doanh nghiệp thời điểm hiện tại và dự báo tương lai”, đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Lào Cai cho biết.
Chuyên gia kinh tế, Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh cho hay, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua việc giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu đã giúp giá xăng, dầu trong nước hạ nhiệt phần nào, từ đó, giúp các doanh nghiệp vận tải có môi trường hoạt động tốt hơn, có được quãng thời gian để đánh giá về tác động của giá nhiên liệu đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào để đưa ra những chiến lược kinh doanh hợp lý.
Đơn cử như có nên giảm bớt hoạt động kinh doanh, điều chỉnh phương tiện vận tải sao cho tiết kiệm xăng, dầu hơn (chuyển từ xe to sang xe nhỏ), có hình thức thu hút hành khách tối ưu hơn, cung cấp thêm các dịch vụ khác gia tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp, áp dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí hoạt động,…
“Doanh nghiệp cũng cần cân nhắc giá cước vận tải sao cho phù hợp với hoạt động kinh doanh, để có thể bù đắp được các chi phí để vận hành và đạt được một số lợi nhuận nhất định dù không cao.
Tùy từng doanh nghiệp và cách vận hành hoạt động kinh doanh có thể đưa ra mức giá cước vận tải riêng, với những doanh nghiệp có thêm lợi nhuận từ việc cải tiến về mặt quản lý logistics, vận tải thì không cần phải điều chỉnh giá cước tăng cao để thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp không làm được điều này, buộc phải tăng giá cước vận tải để bù lỗ và duy trì hoạt động.
Việc giảm giá cước vận tải cũng tương tự, nếu hoạt động kinh doanh vận tải tốt, doanh nghiệp có thể giảm giá cước theo giá xăng nhưng nếu hoạt động chưa ổn định, chưa có lãi thì chưa cần thiết. Đây là quyết định riêng của từng doanh nghiệp”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, việc duy trì tần suất điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước theo 10 ngày 1 phiên hiện nay khá hợp lý giúp hạn chế việc giá xăng, dầu biến đổi theo từng ngày khiến các doanh nghiệp, người dân không kịp thích ứng.
Mỗi doanh nghiệp cần theo dõi diễn biến của giá xăng dầu trong nước và thế giới để đưa ra những dự báo trong phiên tiếp theo. Cùng đó, có kế hoạch liên kết, ký hợp đồng với các nhà cung ứng để mua được nhiên liệu với giá ở thời điểm tốt nhất. Đồng thời có những kịch bản để thích ứng với từng phát sinh, diễn biến của giá xăng, dầu sao cho mang lại điều kiện hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 27-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 25.073 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.070 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.858 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.246 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.