Giá xuất khẩu tăng cao, vì sao ngành cá tra vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn?

Giá bán cá tra hiện dao động từ 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021, được nhận định là tiền đề quan trọng để ngành cá tra đẩy mạnh xuất khẩu...

Cá tra được mùa được giá.

Sản xuất, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 không phải là “con đường trải đầy hoa hồng”, nên cần có những giải pháp để phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững…là nhận định được các đại biểu nêu lên tại hội nghị: “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 25/02/2022 tại thành phố Cần Thơ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG NĂM 2022 TƯƠNG ĐƯƠNG NĂM 2021

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho biết năm 2021, ngành cá tra Việt Nam đạt sản lượng 1,52 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD.

Năm 2022, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vaccine cho toàn dân được thực hiện, nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phục hồi và tăng trưởng. Đặc biệt, giá bán cá tra nguyên liệu hiện nay đạt mức rất cao với khoảng 30.000 đồng/kg.

Sản lượng cá tra theo từng địa phương, nguồn Tổng cục Thủy sản.

Năm 2022, ngành cá tra phấn đấu đạt sản lượng cá tra thương phẩm từ 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Đây là kế hoạch tương đối khó khăn khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, các rào cản thương mại, kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn như POR, Farmbill, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, hay các quy định mới của EVFTA của thị trường Châu Âu (EU) khiến xuất khẩu cá tra khó khăn chồng chất.

Hơn nữa, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.

Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thông tin đến nay đã có 30 lô cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo các chỉ tiêu liên quan tới Covid-19.

"Điều tra nguyên nhân cho thấy xuất phát từ khâu bao gói, khâu hàng lên container, nên việc kiểm soát chặt chẽ với công nhân xếp hàng lên container là vấn đề cần được lưu ý trong thời gian tới để đảm bảo thỏa thuận kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc và không tạo ra bất lợi quá lớn đối với các doanh nghiệp", ông Lê Bá Anh khuyến cáo.

Theo ông Lê Bá Anh, khi phát hiện 01 lô có dấu vết của Covid-19 thì doanh nghiệp sẽ bị tạm ngừng thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc 1 tuần. Còn đối với 2-3 lô trở lên thì 4 tuần, thậm chí có doanh nghiệp bị đến 6 tuần. Điều này đã tạo nên thiệt hại đáng kể đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thông tin tích cực được ông Lê Bá Anh nêu lên là, nếu năm 2020 có 6 lô bị cảnh báo về hóa chất kháng sinh, thì trong năm 2021 không có thị trường nào cảnh báo. Có được kết quả này là nhờ chúng ta đã đồng bộ với dữ liệu giám sát dư lượng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng cho thấy các hoạt động kiểm soát, hướng dẫn sử dụng hóa chất kháng sinh, đã những chuyển biến tích cực so với năm 2020 và những năm trước.

Hội nghị tổ chức tại Cần Thơ ngày 25/2/2022.

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20-25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%.

Thị trường tiêu thụ cá tra phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, chủ yếu ở 4 nhóm chính gồm Trung Quốc 31%, Mỹ 23%, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 13% và EU 6,6%,...

“Tuy nhiên, hiện nay giá cá tra nguyên liệu tăng cao. Các ngành chức năng cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018”, Bà Tô Thị Tường Lan khuyến cáo.

TIẾP TỤC TẬP TRUNG VÀO CÁC THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp), cho rằng sẽ có nhiều thuận lợi về giá nguyên liệu và giá xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại trong thời gian năm 2022-2023.

Từ tháng 2-4/2022, giá cá tra nguyên liệu khoảng 30.000 đồng/kg, giá phân phối cá tra phile đông lạnh nội địa Mỹ cũng đã tăng lên 8-8,5 USD/kg nhưng không có hàng, nguồn cung mới cá phile đông lạnh rất giới hạn.

“Từ đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới”.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tạo ra do ảnh hưởng của Covid-19 để ngành sớm trở lại hoạt động bình thường.

Trong chiến lược thị trường, ngành tiếp tục tập trung phát triển các thị trường có sẵn, đặc biệt là 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN với thị phần chiếm từ 50-60%.

“Doanh nghiệp, người nuôi cần thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện nuôi cá tra, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất, nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, cần tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc", ông Trần Đình Luân đề nghị.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng sau 3 năm ngành cá tra "rất vất vả" thì bây giờ sẽ đến thời kỳ được mùa được giá.

Đảm bảo ngành cá tra phát triển sản xuất và xuất khẩu ổn định, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất.

Các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch diện tích nuôi; kiểm soát toàn diện các yếu tố đầu vào; nâng cao sức cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng giống, thức ăn, dinh dưỡng. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ.

"Các doanh cần nghiệp đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu-nhà máy chế biển-cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chu Khôi -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-xuat-khau-tang-cao-vi-sao-nganh-ca-tra-van-dat-muc-tieu-tang-truong-khiem-ton.htm