Giấc mơ có nhà của người lao động Hà Tĩnh: Không còn xa nữa!
Trong những căn phòng trọ chật hẹp, hàng nghìn công nhân, người lao động ở Hà Tĩnh vẫn ngày ngày bám trụ với công việc, nuôi hy vọng về một chốn an cư. Giấc mơ ấy đang dần trở thành hiện thực khi các dự án nhà ở xã hội sắp được triển khai.
Căn phòng trọ 20m² và giấc mơ an cư dài dằng dặc
Vợ chồng anh Đinh Thế H, 36 tuổi, công nhân đang làm việc tại nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng, cùng hai con nhỏ đang thuê trọ trong căn phòng vỏn vẹn 20m² với giá 2 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể tiền điện nước. Dù thu nhập hai vợ chồng dao động từ 20 - 25 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí sinh hoạt, học hành cho con khiến ước mơ mua nhà trở nên xa vời.

Hằng nghìn công nhân đang ở trong các phòng trọ cho thuê ở Khu kinh tế Vũng Áng mong muốn được an cư.
“Nghe tin tỉnh sắp làm nhà ở xã hội, tôi rất mừng. Chỉ mong có được chỗ ở ổn định, gần nơi làm việc để yên tâm gắn bó lâu dài”, anh H bày tỏ.
Câu chuyện của anh H cũng là nỗi niềm chung của nhiều lao động đang sống trong các khu nhà trọ quanh KKT Vũng Áng. Anh Trần Văn Hùng, 35 tuổi, quê Thạch Hà - nhân viên vận hành bảo trì, thuê trọ cùng vợ trong căn phòng 20m² gần nơi làm việc, nói: “Hai vợ chồng thu nhập chưa đến 20 triệu, vừa đủ chi tiêu. Đã ở trọ nhiều năm, nhưng chưa dám nghĩ đến chuyện mua đất, cất nhà. Giờ chỉ mong có nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống”.

Các phòng trọ thường có mức cho thuê 2 triệu đồng/tháng với diện tích khoảng 20m2.
Theo Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, toàn khu hiện có hơn 20.000 lao động, trong đó Công ty Formosa Hà Tĩnh đã bố trí được nhà ở cho khoảng 6.000 người. Tuy nhiên, phần lớn các nhà thầu phụ, doanh nghiệp khác và công nhân ngoại tỉnh vẫn đang phải tự xoay xở, thuê trọ tạm bợ, thiếu thốn tiện nghi.
“Các doanh nghiệp rất cần nhà ở xã hội để bố trí cho công nhân. Việc phát triển nhà ở gắn với nơi làm việc không chỉ giúp người lao động an cư mà còn tạo động lực gắn bó lâu dài với công ty”, lãnh đạo Ban quản lý KKT tỉnh nhận định. Đồng thời, đề nghị các địa phương và doanh nghiệp khảo sát kỹ nhu cầu để có phương án đầu tư hiệu quả, sát thực tế.
Hàng nghìn căn hộ chuẩn bị khởi công, kỳ vọng “mở đường” an sinh
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho người thu nhập thấp, tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội quy mô lớn. Trong đó, Dự án NOXH tại phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 với gần 500 căn hộ, dự kiến khởi công vào tháng 9/2025.

Hà Tĩnh được giao chỉ tiêu xây dựng 3.700 căn hộ nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 1.500 căn và giai đoạn 2025 - 2030 là 2.200 căn.
Đặc biệt, một dự án nhà ở xã hội khác tại phường Trần Phú (trước là Thạch Trung, TP Hà Tĩnh cũ) vừa được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn hơn 2.381 tỷ đồng. Dự án xây dựng trên diện tích 6,2 ha, gồm 5 tòa nhà NOXH 15 tầng (1.520 căn hộ) và 1 tòa nhà thương mại (273 căn hộ), dự kiến đáp ứng chỗ ở cho hơn 7.000 người. Kế hoạch khởi công vào đầu năm 2026.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết: “Các dự án đều nằm trong chương trình cụ thể hóa 'Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ'. Hiện đất đã quy hoạch xong, cơ chế đầu tư được đơn giản hóa theo Nghị quyết 201 của Quốc hội, giúp đẩy nhanh tiến độ. Sau khi xác định giá bán, tỉnh sẽ tổ chức đăng ký cho các đối tượng đủ điều kiện”.

Hiện mới chỉ có Công ty Formosa Hà Tĩnh và Nhiệt điện Vũng Áng bố trí được nhà ở cho cán bộ, công nhân công ty có nhà ở.
Đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Hà Tĩnh xây dựng tổng cộng 3.700 căn hộ NOXH. Tuy nhiên, hiện tỉnh mới hoàn thành 152 căn. Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ có thêm 200 căn, năm 2026 là 488 căn và năm 2027 là 750 căn - tập trung tại TP Hà Tĩnh và các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đang mời gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược. Đơn cử, Tập đoàn Vingroup đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị hơn 8.000 tỷ đồng tại KKT Vũng Áng, trong đó dành tối thiểu 20% quỹ đất để phát triển NOXH.
“Chúng tôi đang chờ các doanh nghiệp và người lao động cung cấp dữ liệu cụ thể về nhu cầu để tính toán quy mô, vị trí và hình thức đầu tư phù hợp. Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ là bài toán an sinh mà còn là động lực giữ chân người lao động và phát triển kinh tế bền vững”, đại diện Sở Xây dựng chia sẻ.