Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật về đất đai

Kết luận Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW làm cơ sở sửa đổi Luật đất đai năm 2024 được tổ chức vào sáng 10/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp; việc điều chỉnh chính sách, pháp luật phải hết sức lắng nghe, cầu thị để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, phù hợp tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị đánh giá, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024, các chính sách pháp luật về đất đai được triển khai đồng bộ, thu được kết quả tích cực. Trong đó, thể chế hóa đầy đủ quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp; hoàn thiện thể chế, chính sách và sử dụng đất đai.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; giải quyết cơ bản những hạn chế, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý, sử dụng đất…

Các đại biểu cũng thẳng thắng thừa nhận: Nhận thức về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai vẫn còn hạn chế; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần điều chỉnh phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp; các vấn đề liên quan giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nảy sinh một số vướng mắc; giá đất chưa thể hiện rõ vai trò điều tiết của nhà nước… Do đó, cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như nêu trên tại Nghị quyết 18-NQ/TW làm cơ sở sửa đổi Luật Đất đai năm 2024.

Cùng thảo luận, làm rõ các nội dung, kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí và đánh giá cao các ý kiến phát biểu của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương rất sát thực tế, trúng, đúng và đã bám sát nội dung yêu cầu, phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, có trọng tâm, thể hiện sự tập trung thống nhất cao.

Thủ tướng cho rằng, đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên phải kiên trì, kiên định; hết sức lắng nghe, cầu thị các ý kiến nhà quản lý, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp; không cầu toàn, không nóng vội trong quá trình điều chỉnh, bổ sung; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì bổ sung, luật hóa, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, phù hợp tình hình mới.

Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Với quan điểm đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì tổng hợp và thống nhất một số nội dung làm cơ sở để các cơ quan bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ trình Bộ Chính trị. Trong đó, khẳng định Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là văn kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở chính trị để tiếp tục hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai thời gian tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, nhất là đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước mới ban hành, cần điều chỉnh, bổ sung một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18-NQ/TW.

Khẳng định, đất đai là sở hữu toàn dân; Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần bổ sung quan điểm: đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”; “Quyền sử dụng đất là yếu tố đầu vào quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội”.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất. Trong đó, bổ sung các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, với việc lập đồng thời ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp xã; có cơ chế, giải pháp xử lý vấn đề chồng chéo giữa các quy hoạch có sử dụng đất; ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị; duy trì hợp lý diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác hoặc mục đích sử dụng khác để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, khu vực.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung giải pháp về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất như: Áp dụng linh hoạt các phương thức tiếp cận đất đai khi thực hiện giao đất, cho thuê đất phù hợp với loại hình, tính chất, quy mô, địa bàn thực hiện dự án đầu tư, sao cho hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận đất đai giữa khu vực công và khu vực tư; cho phép người sử dụng đất được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; khuyến khích người sử dụng đất lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm để bảo đảm nguồn thu ổn định cho ngân sách.

Thủ tướng yêu cầu đề xuất cơ chế để thực hiện linh hoạt các phương thức giao đất, cho thuê đất đối với quỹ đất dôi dư khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước, đất thu hồi từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất này.

Về giải pháp về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bổ sung nội dung, thể hiện rõ việc thu hồi đất phải tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt, trừ trường hợp người sử dụng đất đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng lưu ý, đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, trừ trường hợp dự án khẩn cấp, cấp bách do cấp có thẩm quyền quyết định, dự án thực hiện tái định cư tại chỗ trong phạm vi dự án, dự án mà khu tái định cư được bố trí theo tuyến của công trình chính; Nhà nước có chính sách tạm cư cho người có đất thu hồi trong thời gian chưa được bố trí tái định cư; thực hiện chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước; mở rộng các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đề xuất điều chỉnh, bổ sung giải pháp về giá đất, tài chính đất đai theo hướng: Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước; Nhà nước quyết định giá đất tại thị trường sơ cấp khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất dựa trên Bảng giá đất do Nhà nước ban hành phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý đất đai của địa phương; quy định tỷ lệ thu tiền sử dụng đất đối với các loại hình dự án và hệ số khấu trừ chi phí hạ tầng khi thực hiện dự án; nghiên cứu đề xuất các nội dung liên quan đất đai có yếu tố nước ngoài…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý và kết luận để hoàn thiện các tài liệu dự thảo Báo cáo, Tờ trình, Kết luận trình cấp có thẩm quyền đảm bảo thời gian, chất lượng.

Phạm Tiếp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-nghien-cuu-de-xuat-dieu-chinh-bo-sung-chinh-sach-phap-luat-ve-dat-dai-20250710122855683.htm