'Giấc mơ có thật' của 46 cặp vợ chồng trên hành trình hạnh phúc
Họ là những cặp đôi khuyết tật đã nên duyên vợ chồng nhưng chưa từng được tổ chức đám cưới đã cùng nhau góp mặt trong 'Giấc mơ có thật' để hiện thực hóa giấc mơ trên con đường hạnh phúc cùng nhau.
"Ngỡ mình chẳng bao giờ được mặc váy cô dâu"
Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" dành cho các đôi khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn vừa được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Phụ nữ (Hội LHPN Hà Nội) tổ chức.
Các cặp đôi tham dự ở độ tuổi 18-55, nhiều cặp vợ chồng đăng ký kết hôn đã lâu mà chưa có điều kiện tổ chức đám cưới. Họ được ban tổ chức trợ giúp chụp ảnh cưới, chuẩn bị trang phục. Lễ cưới tập thể của các đôi được thực hiện đầy đủ theo nghi lễ truyền thống trong sự chứng kiến của gia đình, bạn bè, con cái.
Một điểm chung của các cặp đôi tham dự lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" là dù đã nên duyên vợ chồng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn hoặc vẫn còn sự mặc cảm về ngoại hình, điều kiện nên họ chưa được làm đám cưới, hoặc chỉ "làm vài mâm nho nhỏ coi như báo hỷ".
Có những người vợ không dám nghĩ một ngày, mình được mặc váy cô dâu. Bởi vậy, đến với đám cưới tập thể lần này, nhiều cặp đôi đã không giấu nổi nghẹn ngào khi không phải ngần ngại bày tỏ yêu thương, được cạn ly rượu mừng, được hân hoan trong tiếng chúc phúc của mọi người.
Đến từ huyện Mỹ Đức (Hà Nội), vợ chồng anh Lê Văn Bình và chị Trịnh Thị Phước đều là người khuyết tật. Anh Bình là người khiếm thị còn chị Phước bị khuyết tật vận động nặng. Đã từ lâu, vợ trở thành đôi mắt cho chồng, còn người chồng ở bên, làm đôi chân cho vợ.
Họ đến với nhau từ năm 2016 và có 2 con nhỏ, nhưng vì hoàn cảnh còn khó khăn nên chưa được tổ chức đám cưới. Tham gia chương trình lần này cùng với các cặp đôi khác, giấc mơ của vợ chồng anh Bình, chị Phước đã thành sự thật.
Dùng cánh tay trái còn lại xoa bóp chân cho vợ, anh Trương Xuân Lâm vừa trò chuyện vừa căn góc cho chị Nguyễn Thị Hoa chụp ảnh. Họ là một trong những đôi vợ chồng trẻ nhất, và cũng đến từ nơi xa nhất Quy Nhơn (Bình Định).
Trước đó, do hoàn cảnh không cho phép, hai người mới chỉ làm mấy mâm tiệc nhỏ báo hỉ. Cả hai đã có mặt ở Thủ đô Hà Nội từ vài ngày trước lễ cưới. Ban đầu, anh Lâm ngại đường xá xa xôi nhưng sau cùng "vì chiều vợ, mình quyết định tham gia".
Đôi vợ chồng sinh năm 1989 làm quen với nhau qua mạng xã hội hồi đầu năm. Chỉ sau 2 tháng, cả hai đã quyết định sẽ về chung một nhà. Anh Lâm tâm sự, càng tiếp xúc, anh càng yêu vóc dáng nhỏ bé, tính cách dễ thương của chị và hãnh diện nói đã tìm ra “mảnh ghép hoàn hảo cho cuộc đời này”.
Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ càng nhân lên gấp bội khi chị Hoa đang mang thai đứa con đầu lòng. Cô gái bé nhỏ, lớn lên từ Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thụy An, Ba Vì năm nào giờ vẫn còn ngại ngùng, ít nói, nhưng ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và tin cậy khi ở bên bờ vai người đàn ông của cuộc đời mình.
Chung sức vượt khó, dựng xây hạnh phúc
Đã ở bên nhau qua 3 thập kỷ, chú rể Lê Thanh Sơn (56 tuổi, khuyết tật vận động) và cô dâu Mai Thị Hòa (57 tuổi, khiếm thị) mới có đám cưới chính thức khi đã lên chức ông bà. Anh khen vợ đẹp hơn mọi ngày khi diện váy cưới và cả hai vẫn không giấu được cảm giác hồi hộp.
“Khi mình thông báo sắp tổ chức hôn lễ, bạn bè và hàng xóm đều giật mình hỏi ở với nhau lâu vậy mà vẫn chưa cưới rồi gửi lời chúc mừng”, anh Sơn kể và cho biết ngày trọng đại của cả hai có sự chung vui của con cháu.
Lấy nhau gần 15 năm và đã có một con trai 13 tuổi ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Đó là hạnh phúc viên mãn của anh Tạ Đức Công (44 tuổi) và chị Mai Thị Năm (34 tuổi), đến từ huyện Phúc Thọ (Hà Nội).
Cả hai vợ chồng bị khuyết tật vận động nặng và đến với nhau chỉ có tình yêu và hai bàn tay trắng. Tình cảm của anh chị bị gia đình phản đối gay gắt. Họ tự động viên nhau, quyết tâm lấy nhau bằng được, và sẽ cố gắng làm lụng để tự trang trải cho chính cuộc sống của mình, để chứng tỏ cho bố mẹ và người thân biết rằng, người khuyết tật đến với nhau vẫn có được hạnh phúc.
Các cặp vợ chồng rạng ngời hạnh phúc bên nhau trong "Giấc mơ có thật" (Ảnh: Hải Nguyễn).
Chị Năm kể, tự nhủ với nhau là vậy, nhưng hành trình gây dựng cuộc sống vợ chồng được như bây giờ, trải qua không ít gian nan. Những ngày đầu lập nghiệp, khi vừa mới dành dụm đủ để xây được căn nhà cấp 4 thì mẹ chồng chị lâm bệnh nặng. Con trai còn nhỏ, công việc thì ngổn ngang, vay mượn ngược xuôi, anh chị như con thoi, hết làm việc lại đến chăm mẹ, chăm con.
Mệt mỏi, chị Năm từng có suy nghĩ bỏ cuộc, hay là vợ chồng giải thoát cho nhau. Chị nghĩ mà không dám nói ra, nhìn qua chồng, thấy anh vẫn vững vàng mà đôi khi lại giấu những giọt nước mắt sau lưng vợ.
Chị thương anh vô cùng và quyết tâm dù có thế nào, vợ chồng vẫn nắm chặt tay cùng bước tiếp. Chính nghị lực ấy đã giúp hai vợ chồng vượt qua nhiều thử thách và có được thành quả như ngày hôm nay.
Cùng nhau bước vào lễ đường làm đám cưới lần này là hạnh phúc sau gần 15 năm chờ đợi. Họ đã được thừa nhận và chúc phúc. Lần đầu tiên chị Năm được khoác lên mình bộ váy cưới và trang điểm lộng lẫy.
"Chẳng lời nào có thể nói hết tình yêu và sự trân trọng tôi dành cho cô ấy. Vì vậy, tôi sẽ luôn lấy niềm tin của vợ làm động lực để cố gắng vươn lên trong cuộc sống, lo cho vợ và con một cuộc sống hạnh phúc", anh Công nói.
Bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Phụ nữ Hà Nội cho biết, "Giấc mơ có thật" là sự kiện được Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội thực hiện từ năm 2018 thể hiện sự quan tâm đến đối tượng yếu thế, thiệt thòi, tạo điều kiện để họ có cơ hội "được làm đám cưới" và trải nghiệm những giây phút ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mình, khích lệ những dự định tốt đẹp về xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.
"Đám cưới tập thể năm nay muốn gửi gắm thông điệp hãy cùng nhau lan tỏa sự tôn trọng những khác biệt, tinh thần bình đẳng và tình yêu thương để không ai bị bỏ lại phía sau", bà Hảo nói.