Giấc mơ Hà Nội xanh

Có chuyên gia mới đây đã không ngần ngại mà rằng: Giấc mơ xanh của Hà Nội đang bị đè bởi hai từ 'ô nhiễm' và 'ùn tắc'.

Quả không sai, nhưng nếu bình tâm để nhìn nhận thì có thể tự tin, không bao lâu nữa một Hà Nội xanh sẽ hiện hữu, ai cũng có thể nhìn thấy và hít hà.

Bởi lẽ ngay cả vấn đề xử lý nước thải - một lĩnh vực được xem là “thải chìm” mà nay đã được Hà Nội cụ thể hóa mục tiêu, tới năm 2030 sẽ xử lý được 70% nước thải sinh hoạt, trong khi tỷ lệ hiện tại, qua quãng đường dài với nhiều giải pháp, cũng chỉ đạt con số 30%.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, Hà Nội có lượng nước thải sinh hoạt rất lớn và rất ô nhiễm, trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Môi trường nước tiếp nhận lượng nước này là các hồ, kênh, mương và sông. Hầu hết các cơ sở công nghiệp đều xả trực tiếp nước thải vào các sông thoát nước chính là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và các mương, hồ của TP.

Đáng nói, các sông hồ Hà Nội đều bị ô nhiễm cả về cơ học, hóa học và sinh hoạt, có sự phân hủy yếm khí tạo ra khí độc như H2S, NH4. Hàm lượng NO2, NO3 đều cao, BOD5 quá tiêu chuẩn cho phép tới 3 lần. Thậm chí, hàm lượng coliform của một số hồ gần khu vực dân cư vượt tiêu chuẩn cho phép tới 100 - 200 lần, vào mùa khô vượt tới... 700 lần.

Bởi thế, công tác thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội đang là vấn đề cấp bách. Nước thải nếu không được xử lý trước khi ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây nhiễm độc nguồn nước ngầm và rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.

Chính vì thế, vấn đề xử lý nước thải của Hà Nội chưa bao giờ hết nóng, nhưng hầu như công cuộc cải thiện, nói không ngoa tiến độ như... rùa bò. Vì thế, thông tin Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, định hướng Hà Nội trở thành TP xanh, thông minh, thanh bình, thịnh vượng với thu nhập bình quân khoảng 45 - 46 nghìn USD/người/năm khiến người dân Thủ đô vô cùng phấn khởi.

Hà Nội bây giờ đã thể hiện cho ý chí và quyết tâm cao với mục tiêu phát triển rõ ràng cho từng lĩnh vực chi tiết và cụ thể, chứ không còn là những mục tiêu đưa ra chung chung. Quy hoạch Hà Nội đặt nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là bảo vệ môi trường, mục tiêu xử lý được 70% nước thải sinh hoạt đã chứng minh rất rõ quyết tâm của TP.

Và mới đây, cùng với việc đưa vào vận hành chạy thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 100.000m3/ngày đêm, sẽ góp phần nâng tỷ lệ xử lý nước thải của TP lên 40%, Chính quyền Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện, phê duyệt Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét".

Trên cơ sở thu gom triệt để nước thải xả vào sông Tô Lịch, vận hành tốt hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan dọc hai bờ sông, dự kiến trong năm 2025, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch sẽ chuyển biến tích cực, phục vụ hiệu quả Nhân dân Thủ đô.

Điều này cũng có nghĩa, Hà Nội xanh sẽ không phải là giấc mơ xa vời, mà sẽ từng bước được hiện thực hóa. Quan trọng, chúng ta cần phải chung tay bảo vệ môi trường và vững tin vào bước đường chinh phục từng mục tiêu của TP.

Thương Huế

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giac-mo-ha-noi-xanh.html