Giấc mơ xa vời của ông Obama
Giấc mơ của ông Obama được cho là viễn cảnh xa vời khi sự gia tăng về số lượng nhà lãnh đạo nữ đã chững lại trên khắp thế giới trong thời gian gần đây.
Trong chuyến diễn thuyết gần đây tại Australia, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra ý tưởng của mình về cách xoay chuyển tình thế sau hơn một thập kỷ xói mòn dân chủ, để hướng thế giới đi theo con đường bền vững và hòa bình.
“Tôi thực sự tin rằng nếu chúng ta có thể thử một thí nghiệm, trong đó mọi quốc gia trên Trái Đất đều do phụ nữ điều hành chỉ trong hai năm… tôi tin thế giới sẽ nghiêng về hướng tốt đẹp hơn”.
Người phỏng vấn ông Obama - cựu Ngoại trưởng Australia Julie Bishop - trả lời rằng các nữ lãnh đạo chỉ cần 6 tháng. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy ngay cả mục tiêu khiêm tốn hơn nhiều về bình đẳng giới trong lãnh đạo toàn cầu vẫn còn xa vời.
Chưa đến 1/3 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc từng có nữ lãnh đạo. Trong khi 2 thập kỷ qua chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo chính trị toàn cầu, con số thực tế vẫn rất thấp.
Hiện tại, chỉ có 12 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có nữ lãnh đạo, giảm so với con số 17 vào năm 2022. Nghiên cứu của UN Women cho thấy với tốc độ hiện tại, bình đẳng giới ở những vị trí quyền lực cao nhất sẽ không thể đạt được trong 130 năm nữa.
Áp lực quyền lực
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng của số lượng nữ lãnh đạo trên khắp thế giới đã chững lại và vào năm 2023, một số nữ lãnh đạo nổi bật đã rời nhiệm sở để nam giới thay thế.
Vào tháng 1, bà Jacinda Ardern từ chức thủ tướng New Zealand với lý do bà “không còn đủ can đảm” để thực hiện công việc. Bà Natalia Gavrilita cũng từ chức thủ tướng Moldova vào tháng 2, đổ lỗi cho một loạt cuộc khủng hoảng do xung đột Nga - Ukraine.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon - mặc dù không nằm trong nhóm dữ liệu trên vì bà không phải lãnh đạo của quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc - đã từ chức vào tháng 2 sau hơn 8 năm giữ chức. Bà nói rằng "thời điểm đã đến".
Sau đó, vào hôm 2/4, bà Sanna Marin thất bại trong cuộc bầu cử căng thẳng ở Phần Lan, chấm dứt quãng thời gian làm thủ tướng trẻ nhất thế giới.
Tất cả nhà lãnh đạo này rời chức vụ cao vì những lý do rất khác nhau. Tuy nhiên, tiến sĩ Federica Caso, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe, cảnh báo việc quân sự hóa ngày càng tăng trên toàn thế giới do cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể gây ra sự bất ổn cho các nữ lãnh đạo.
“Bà Sanna Marin đã thúc đẩy Phần Lan gia nhập NATO… nhưng nói chung, cử tri có xu hướng coi nam giới là người đáng tin cậy hơn về an ninh quốc phòng”, bà nói.
Một cuộc khảo sát năm 2018 từ Pew Research phần nào chứng minh điều này. Khi được hỏi, đa số cử tri Mỹ cho biết không có sự khác biệt giữa nam và nữ lãnh đạo chính trị.
Ngoại lệ duy nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe - nơi phụ nữ được coi là làm việc hiệu quả hơn - và an ninh quốc phòng - nơi đàn ông được cho là làm việc tốt hơn.
Bà Ardern từng phải đối mặt với các cuộc tấn công cá nhân chưa từng có trong chính trường New Zealand. Vào năm 2022, cảnh sát báo cáo các mối đe dọa chống lại thủ tướng đã tăng gần gấp 3 lần trong 3 năm.
Trong thông báo từ chức của mình, bà Ardern nói rằng mặc dù các mối đe dọa đối với sự an toàn của bà không phải là cơ sở chính khiến bà quyết định nghỉ việc, nhưng chúng “có tác động”.
Trong khi đó, bà Marin thường xuyên chịu sự giám sát phân biệt giới tính đối với cuộc sống riêng tư, nổi bật nhất là bà từng phải đối mặt với một cuộc điều tra chính thức sau khi xuất hiện video quay cảnh bà uống rượu và khiêu vũ với bạn bè.
Tiến sĩ Caso cho biết việc phương tiện truyền thông phân biệt giới tính có thể ảnh hưởng đến khả năng gây quỹ cho chiến dịch bầu cử của các nữ lãnh đạo.
“Thật khó để tiếp tục bơi ngược dòng khi bạn liên tục bị thách thức về giới tính của mình, trái ngược với chính sách của bạn”, chuyên gia quan hệ quốc tế nói.
Áp lực không đồng đều về cam kết và trách nhiệm chăm sóc gia đình cũng được coi là lý do tiềm tàng khiến nhiệm kỳ của nữ lãnh đạo quá ngắn, Guardian nhận định.
Theo Pew Research, thời gian trung bình của họ là 2,1 năm.
“Chúng tôi không muốn đánh đồng, nhưng ngay cả ở cấp cao nhất của chính trị, công việc chăm sóc vẫn thường đổ dồn lên vai phụ nữ”, bà Caso nói.
Đảo lộn thế giới
Nghiên cứu từ Nghị viện châu Âu vào năm 2021 cho thấy các xã hội bình đẳng giới có sức khỏe tốt hơn, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn và an ninh cao hơn.
Ví dụ, ở Na Uy, nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ trực tiếp giữa sự hiện diện của phụ nữ trong các hội đồng thành phố với mức độ chi trả chăm sóc trẻ em.
Tiến sĩ Caso cảnh báo không nên gộp phụ nữ vào một nhóm duy nhất, nhưng nói rằng “các nghiên cứu cũng” cho thấy phụ nữ có xu hướng đàm phán và hòa giải nhiều hơn. Vì vậy, khi gặp vấn đề khó khăn trên bàn đàm phán, họ có xu hướng ngoại giao hơn.
Trong khi số lượng nữ ngoại trưởng trên thế giới cao hơn nhiều so với số lượng nữ lãnh đạo, vẫn còn những rào cản đáng kể. Dữ liệu từ UN Women cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng được giao các vị trí nội các, liên quan đến gia đình, trẻ em hoặc phụ nữ và bình đẳng giới, hơn là vị trí đối ngoại, quốc phòng hoặc kinh tế.
Điều đó có nghĩa con đường truyền thống dẫn đến quyền lực - vươn lên thông qua các vị trí cấp cao trong chính phủ và nội các - vẫn khó khăn hơn đối với phụ nữ.
Một số quốc gia đã ban hành “hạn ngạch giới tính” với hy vọng đạt được tiến bộ về bình đẳng trong đại diện chính phủ.
Một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc năm 2021 cho thấy các quốc gia luật hóa hạn ngạch ứng cử viên đã chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ đại diện của phụ nữ. Nhưng số liệu thống kê vẫn cho thấy khoảng cách rõ ràng: Chỉ có 13 quốc gia có nội các đạt mức bình đẳng giới.
Tỷ lệ đại diện trong quốc hội ở các quốc gia thậm chí còn bất bình đẳng hơn. Tính đến năm 2023, chỉ có quốc hội của 6 quốc gia có 50% phụ nữ trở lên.
Hiện tại, giấc mơ phụ nữ điều hành thế giới trong 2 năm của ông Obama vẫn còn xa vời. Nhưng bà Caso nhận định giấc mơ tốt ở một số khía cạnh, "vì nó sẽ đảo lộn thế giới”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mo-xa-voi-cua-ong-obama-post1419201.html