'Giấc mộng vàng' thời gian khó

Có thể nói, những năm 80 của thế kỷ trước là thời kỳ nở rộ của phong trào đào đãi vàng. Cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn, trong khi người dân hầu như không biết tạo thêm sinh kế, ngoài làm rẫy và chăn nuôi.

Tuy nhiên, làm rẫy cũng chỉ có cây lúa cạn, 6 tháng mới có thu. Chăn nuôi thì nhỏ lẻ, thủ công. Thế nên, đãi vàng xem ra mới là giấc mơ đổi đời khả dĩ nhất. “Giấc mộng vàng” cuốn vào nó đủ mọi thành phần: người đi kinh tế mới, đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí cả người già, cán bộ đã nghỉ hưu. Và, chính tôi cũng đã một lần dấn thân vào “giấc mơ vàng” ấy.

Đấy là năm 1987. Ở huyện Chư Prông bấy giờ bỗng rộ lên một bãi vàng ở xã Ia Boòng. Lúc đầu cũng chỉ lác đác dăm bảy người vào đào đãi. Thế rồi, chẳng biết từ đâu, những lời đồn loang ra rằng, có người mỗi ngày đãi được cả mấy chỉ vàng, lại có người đào được cả cục vàng bằng nắm tay. Vậy là, bãi vàng đang thưa vắng bỗng trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Ngày ngày, mới sáng tinh mơ, con đường trước ngõ nhà tôi đã rầm rập những chuyến xe đò cuốn theo vô số cơn lốc bụi đỏ mịt mùng chở người đến bãi vàng. Tiếp đó là những đoàn quân xe đạp lỉnh kỉnh máng đãi, nồi niêu, gạo nước hăm hở tiến theo. Không khí ấy khiến xóm tôi, vốn chỉ toàn công nhân viên chức cũng trở nên nhộn nhạo. Nhân nghỉ hè, được một anh bạn hàng xóm rủ “đi thử vận may”, tôi liền đồng ý.

Bãi vàng như một “đại công trường” kỳ dị trải ra trước mắt tôi. Cả một dải rừng hoang hàng chục héc ta bị đào xới lỗ chỗ như đất mặt trăng. Hàng trăm lán trại mái lợp bằng lá cây rừng hay những tấm bạt rách, sạp nằm ken bằng nứa hoặc thân cây rừng chen chúc bên nhau. Đủ mọi “dịch vụ” mọc ra để phục vụ “công trường”: hàng bán gạo, mắm muối; hàng bán xô chậu, cuốc xẻng, dây thừng… Lại có cả dịch vụ gò nón, máng đãi. Tôi nhận ra trong số họ có cả anh bạn vong niên, một giáo viên về hưu cũng vào đây mở dịch vụ bán dây thừng, xô chậu. Cứ mỗi lần ai ngang qua cất tiếng “chào thầy”, anh lại nở nụ cười bối rối rồi quay mặt đi.

Chúng tôi cũng chuẩn bị lán trại rồi bắt tay vào việc. Thời ấy, “công nghệ” đãi vàng đơn giản lắm: cứ chọn hú họa một khoảnh đất nào đó đào sâu xuống, xúc đất cho vào bao rồi vác xuống suối đãi. Dụng cụ đãi vàng là 1 chiếc nón bằng tôn. Cho đất vào, hòa nước rồi lắc, động tác hệt như sàng gạo. Cũng có người cho đất vào chiếc máng bằng tôn hoặc gỗ, múc nước dội cho trôi bớt đất rồi mới cho vào nón đãi. Vàng dạng sa khoáng, nếu có sẽ đọng lại ở chóp nón những hạt li ti như tấm. Tất nhiên không phải mẻ đất nào cũng có vàng. Có khi phải đãi hàng chục mẻ đất mới được dăm bảy hạt.

Công việc cầu may hú họa này đòi hỏi phải có sự kiên trì cao độ và sức khỏe, bởi phần lớn thời gian trong ngày, một nửa người phải ngâm trong nước, nửa người phơi trong cái nắng chang chang… Làm đến ngày thứ 5, tôi chợt nghe trong người ngây ngấy sốt. Áng chừng không kham nổi nữa, tôi giục anh bạn đi về. Chuyến đó, tuy mới “vào nghề” nhưng chúng tôi cũng “huề vốn”, tức là bán vàng cũng vừa đủ tiền mua gạo, mắm và các thứ sắm sửa mang đi.

Vấn nạn đào đãi vàng như một cơn lốc, kéo dài cho đến sau năm 2000 mới dứt. Bấy giờ, gần như ở huyện nào cũng có bãi vàng. Nơi này dịu đi, nơi khác lại rộ lên. Và, “giấc mộng vàng” đã mang đến không ít hậu quả tai hại. Ở đâu có bãi vàng, ở đó rừng núi bị xới nát. Sản xuất bị bỏ bê. Có cả chuyện một số công ty, nông trường cũng bị vạ lây. Mới đăng ký vào làm công nhân, nhận gạo, đồ bảo hộ lao động hôm trước, hôm sau không ít người đã mang đi bãi vàng.

Chẳng thấy ai giàu lên nhờ đãi vàng nhưng có người đã thiệt mạng vì sốt rét ác tính, vì tai nạn và cả những tệ nạn xã hội trong các bãi vàng. Một số người còn mang trong mình “căn bệnh bãi vàng” chữa trị đến nay vẫn còn chưa hết. Điều này đã khiến cuộc sống bây giờ dù đổi thay nhiều, không ít nơi, người ta vẫn kể về một thời đi đãi vàng với một nỗi ám ảnh trong tâm trí.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/giac-mong-vang-thoi-gian-kho-post242860.html