'Giấc ngủ' của Dinh 1

Dinh 1 là một địa danh tham quan nổi tiếng ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Nhưng có một nghịch lý đang xảy ra với di tích này, là du khách muốn vào thăm cũng không được, dù đơn vị quản lý cũng rất muốn mở cửa thu hút. Nguồn cơn đến từ đâu?

Du khách chụp ảnh trước cổng Dinh 1 khóa kín cửa.

Du khách chụp ảnh trước cổng Dinh 1 khóa kín cửa.

Theo giới thiệu trên Cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Dinh 1 rộng khoảng 60ha nằm trên đường Trần Quang Diệu thuộc phường 10. Dinh được xây dựng vào những năm 1940 bởi triệu phú người Pháp Clément Bourgery. Nằm trên ngọn đồi cao 1,550m so với mực nước biển với rừng thông bao quanh, cộng với kiến trúc độc đáo nghiêng theo hướng cổ điển của Pháp, đây là địa điểm du lịch có nhiều điểm đặc biệt hiếm nơi nào hội tụ đủ như vậy.

Sau năm 1975, Dinh 1 được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và xuống cấp trầm trọng. “Nhận thấy Dinh 1 có tiềm năng trong tương lai sẽ là điểm phát triển du lịch to lớn với Đà Lạt, năm 2014, Trung tâm Quản lý Nhà TP Đà Lạt đã giao Dinh 1 cho Cty CP Hoàn Cầu Đà Lạt trùng tu, khôi phục. Dinh được đưa vào phục vụ cho tham quan và nghỉ dưỡng. Quá trình khôi phục tốn kém khá nhiều và gặp nhiều khó khăn. Dinh 1 Đà Lạt như người đẹp ngủ giữa rừng được đánh thức”, nguyên văn giới thiệu trên Cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt.

Đầu năm 2015, Dinh 1 chính thức mở cửa đón khách. Tuy nhiên sau đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất, thuê nhà ở Dinh 1 là trái luật và kiến nghị thu hồi. Từ ngày 26/4/2024, Dinh 1 chính thức đóng cửa, tạm dừng phục vụ tham quan theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Theo đơn vị vận hành Dinh 1, từ khi mở cửa đón khách, đây là điểm đến ưa thích của du khách. Trước thời điểm tạm dừng hoạt động, bình quân mỗi tháng điểm du lịch này đón 10 - 12 nghìn lượt khách, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, đối tác lữ hành.

Từ khi dừng hoạt động, Dinh 1 vắng lặng, nhiều lao động phải nghỉ việc đột ngột, một người dân có hơn chục con ngựa phục vụ du khách chụp ảnh cũng phải “vò đầu bứt tóc” tìm chỗ gửi ngựa, lo chi phí thức ăn cho đàn ngựa cảnh… Đó là chưa kể tới khó khăn của DN trong việc sắp xếp nhân sự, cân đối chi phí bảo trì, bảo dưỡng công trình. Về phía chính quyền địa phương, cũng khổ không kém, khi đối diện với việc giải quyết hệ quả của những hành vi chưa phù hợp pháp luật của các cán bộ thẩm quyền thời kỳ trước. Chính quyền địa phương cũng có thể phải đối mặt vụ kiện rắc rối nếu DN đầu tư vào đây có đơn khởi kiện.

Dinh 1 được ví như “cô gái đẹp” ngủ giữa rừng Đà Lạt, sau nhiều năm mới được “đánh thức”, tạo được sự hấp dẫn du khách; thì nay lại phải “nằm ngủ” lần nữa. Hiện tại giữa chủ đầu tư và UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn đang làm việc để thống nhất việc bồi thường khi thu hồi Dinh 1. Theo tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng Lâm Đồng, chi phí nhà đầu tư bỏ ra hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN chưa đồng ý với con số này. Vì vậy, một lần nữa “công chúa” lại chìm vào giấc ngủ trong rừng, cho đến khi các bên thỏa thuận được hướng giải quyết, hoặc cơ quan thẩm quyền ra quyết định hoặc phán quyết phải thực thi. Sự việc là một bài học trong lĩnh vực đầu tư cho các DN và cán bộ thẩm quyền, phải nắm bắt thực thi rõ ràng quy định pháp luật hiện hành, tránh để xảy ra trường hợp sửa sai, khắc phục hậu quả; các bên đều chịu hệ lụy; và còn gây hệ lụy cho du lịch Đà Lạt, ảnh hưởng đến nhu cầu thưởng ngoạn của du khách…

Mai Long

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giac-ngu-cua-dinh-1-post529034.html