Tiệm sách 3 không ở TP.HCM
Tiệm sách nhỏ với 3 tiêu chí, không cọc, không biên nhận, không phải trả lại của ông Nguyễn Ngọc Cần, 73 tuổi, (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã tồn tại gần 15 năm với số lượng đầu sách ngày một tăng.
Từ tình yêu với sách
Hằng ngày cứ 15 giờ, tiệm sách của ông Cần ở số 21 Nguyễn Hữu Cảnh, Bình Thạnh bắt đầu mở cửa. Tiệm sách chỉ vỏn vẹn hơn 10m2, nhưng đến nay chưa hơn 20.000 đầu sách các loại. Kệ sách được ông làm bằng khung sắt và ván gỗ, cao lên đến tận trần nhà, không gian ngăn giữa các kệ chỉ đủ một người len vào.
Ông Cần kể, bản thân ông là người ham học hỏi. Mê đọc sách nhưng trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, ba mẹ sinh hơn chục người con nên ông hay đi nhà sách để đọc cọp (đọc ké). Thậm chí có ít tiền mua sách nhưng có những cuốn không hay, muốn đổi nhưng lúc đó không ai cho đổi. Sau này có chút điều kiện, ông quyết tâm mở một tiệm sách nhỏ của mình.
“Trước đó, nhờ đọc sách nhiều, mình học hỏi, biết được kiến thức rộng và sâu, ứng dụng trong cuộc sống, do vậy mình cũng muốn nhiều người có điều kiện như thế", ông Cần nói.
Năm 2010, ông mở tiệm sách, khi đó vốn không nhiều, ông chỉ bày 1 số lượng nhỏ với các kiến thức phổ thông, khoa học. Thời điểm đó, ông còn làm thêm công việc khác để “nuôi” tiệm sách này, mãi khi tiệm sách được nhiều người biết đến hơn, ông mới nghỉ hoàn toàn công việc khác.
Không gian của tiệm sách vốn là 1 phần của cha mẹ ông để lại, hơn 1 nửa ông cho thuê mở quán cà phê, còn lại dành cho tiệm sách nhỏ. Gia đình vợ con của ông sống ở Quận 4, hằng tuần ông cho biết sẽ về nhà để “trình diện” ít nhất một lần.
Lí do mà tiệm sách chỉ mở từ 15h chiều trở đi là vì một mình “vận hành” nên ông cần dành thời gian để tìm những đầu sách mới, sách hiếm trên thị trường, sau đó mang về tiệm.
Giờ mở cửa cũng là lúc mà ông ngồi lại, đọc qua tóm tắt các cuốn sách rồi phân loại theo từng khu vực. Hiện tại tiệm sách nhỏ của ông có khoảng hơn 20.000 đầu sách với nhiều thể loại, 60% trong số đó là sách về Phật học, còn lại là các thể loại khác như triết học, y học, khoa học, kiến thức phổ thông,…
“Tôi cho mượn thoải mái, không cần cọc tiền, không cần ghi sổ, có mất cũng không đền luôn. Nếu mua thì tôi bán rẻ còn được quyền đổi trả lại", ông Cần vui vẻ nói.
Thời gian đầu, vì không ghi sổ ai mượn nên chẳng biết ai với ai, kệ sách của ông cứ ngày một vơi đi. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, số lượng sách càng ngày càng nhiều. “Nhiều khi tôi nghĩ họ lấy, hay mất đi thì nó cũng lan truyền qua chỗ người khác. Nên tôi cũng vô tư, không bận tâm", ông nói thêm.
Bạn của những người trẻ
Gần 15 năm ông Cần kể, ban đầu chỉ có những người bạn trung niên đến với tiệm sách của ông, sau này là những người trẻ. Có những người trong số đó trở thành bạn, tâm sự những câu chuyện trong đời sống.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên, sống tại quận Phú Nhuận cho hay, chị biết đến tiệm sách này đã được 4 năm nhờ một lần tham gia cùng nhóm đi thiện nguyện. Tiệm sách của ông Cần tuy nhỏ, nhưng lại được phân loại rất tỉ mỉ, từng đầu sách nên chị dễ dàng tìm được cuốn sách mình cần.
"Mình thích thú hơn khi tìm hiểu những tiêu đề của sách được sắp xếp như vậy, đôi khi có những cuốn sách cũ, tác giả cũ mà tìm trên thị trường không thấy, hay tái bản nhưng không có cuốn sách mà mình mong muốn. Cho nên ở đây tìm được những quyển sách mà mình tâm đắc của những nhà xuất bản thời xưa với nhiều kỷ niệm khiến mình rất thích", chị Tiên chia sẻ.
Còn anh Bá Phát (ngụ quận Bình Thạnh) có duyên biết đến kho tàng sách Phật giáo của Ông Cần từ 2 năm trước. Anh có thể đến đây tìm hiểu, đọc và mua từ sách cũ đến sách mới với mức giá rất ưu đãi.
"Mình rất thích chú vì chú cho đi mà không cần nhận lại, như câu chú nói là cho mượn, không cần ngày trả, không cọc, thích trả thì trả, không trả thì thôi", anh Phát cho biết.
Chừng ấy thời gian, ông Cần cũng không nhớ mình đã trao đi bao nhiêu cuốn sách, ông chỉ mong muốn rằng, chúng sẽ đến được với những người cần, dù có những cuốn sách một đi không trở lại.
Ông Cần kể, niềm vui mỗi ngày của ông giờ đây là mọi người đến, tìm hiểu, trao đổi hiểu biết của mình và những kiến thức đó được ứng dụng trong cuộc sống. "Đặc biệt là lúc này, lớp trẻ tìm đến ngày càng nhiều làm tôi rất vui", ông nói.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tiem-sach-3-khong-o-tphcm-post1129197.vov