Giải bài toán cho Dự án đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh
thuận lợi triển khai dự án đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án) các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị lên Chính phủ 4 cơ chế đặc thù liên quan đến vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và nguồn nguyên vật liệu. Các cơ chế đặc thù này đều được các chuyên gia, nhà khoa học tán thành bởi nếu không cho Dự án những cơ chế đặc thù thì rất khó thực hiện, gây khó khăn kho các địa phương và khiến cho toàn vùng chậm phát triển.
Cần làm rõ vấn đề vốn cho Dự án
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến: Năm 2022 - 2023 chuẩn bị dự án; 2023 - 2025 thực hiện Dự án; năm 2026 - 2027 hoàn thành Dự án. Tiến độ Dự án nêu trên là rất cấp bách, do đó để đảm bảo tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, kịp thời thông xe cuối năm 2025. UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, áp dụng cho dự án.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã kiến nghị Quốc hội phép sử dụng vốn Ngân sách Trung ương và vốn Ngân sách địa phương theo tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, cho phép sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện Dự án theo tỷ lệ: 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và 25% tổng mức đầu tư các dự án thành phần đối với tỉnh Long An. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương (từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án).
Sau khi dự án hoàn thành được đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư dự án cho Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ vấn đề này, vốn từ ngân sách Trung ương là đầu tư hay cho vay để rõ ràng khi thu hồi vốn. Các tỉnh thành thuộc Dự án có thể tính tới phương án thành lập một quỹ, phát hành trái phiếu để huy động vốn, sau đó thu hồi vốn để trả nợ và tham khảo các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Quảng Ninh trong phát triển giao thông kết nối.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, đây là hình thức đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí 38.740 tỉ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đoạn qua tỉnh Long An. Đối với phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chi hơn 24.000 tỉ đồng, Đồng Nai khoảng 1.934 tỉ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỉ đồng và Long An hơn 1.050 tỉ đồng.
Sau khi rà soát, quỹ đất vùng phụ cận dự án Vành đai 3 ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2.413ha. Trong đó, có khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý có thể bán đấu giá thu về 26.985 tỉ đồng. Thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất còn lại để xác định cụ thể, đảm bảo tính khả thi trong việc tạo nguồn vốn.
Ủng hộ cơ chế chỉ định thầu
Các tỉnh thành có Dự án đi qua cho rằng, đây là dự án lớn, khối lượng giải phóng mặt bằng, thi công lớn trải dài qua các địa phương nên việc đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với một số công tác là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Theo đó, các Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện dự án; trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Du Lịch khẳng định: Tiền đề đã có Nghị quyết 44 của Quốc hội và Nghị quyết số 18 của Chính phủ, Dự án đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh cứ mạnh dạn triển khai cơ chế chỉ định thầu.
Ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cũng đồng quan điểm và khẳng định: Cần áp dụng cơ chế chỉ định thầu, đây là phương án tiến bộ tuy nhiên phải thận trọng, minh bạch tránh “lợi ích nhóm” và khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Bên cạnh đó, cơ chế này phải đi kèm những điều kiện bắt buộc như quy mô, kinh nghiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải có những quy chế giám sát chặt chẽ đối với nhà thầu.
Cơ chế đặc biệt đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho Dự án
Rút kinh nghiệm từ các dự án đang triển khai, như dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 việc thiếu nguồn vật liệu đắp cho thi công gây khó khăn lớn cho các dự án, đặc biệt là các dự án có nhu cầu về vật liệu lớn. Các địa phương đã chủ động kiến nghị cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ cho Dự án.
Theo đó, các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Đối với các khu vực khoáng sản mới nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, chỉ cấp cho nhà thầu thi công. Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản, chỉ cần đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh, thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành khai thác; nộp thuế, phí theo quy định của pháp luật.
Các địa phương còn đề xuất thêm: Đối với địa phương ngoài khu vực dự án có các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản tại các địa phương nơi có dự án đi qua.
Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64 km, đi qua nhiều khu đô thị đông dân cư, đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ vì vậy Dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn. Dự án có tổng mức đầu tư lớn và nhiều loại công trình khác nhau vì vậy, Thành phố Hồ Chính Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã kiến nghị được chia nhỏ Dự án thành 08 dự án thành phần trên địa phận các địa phương. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan điều phối chung trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ của toàn Dự án.