Giải bài toán cung ứng thực phẩm ở miền Bắc trong thời gian tới ra sao?

Các doanh nghiệp khu vực miền Bắc cho biết đang cố gắng khắc phục thiệt hại nặng nề sau bão lũ và tăng cường sản xuất để đáp ứng hàng hóa, nhưng đang gặp nhiều khó khăn và khó đáp ứng được nguồn cung từ nay đến Tết Nguyên đán.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiệt hại do bão Yagi (bão số 3), ông Lê Anh Quân, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết theo thống kê ban đầu thành phố có khoảng 48ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng.

Tại thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải), khu vực nuôi cá lồng với sản lượng lớn, cung ứng cho nhiều thị trường miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3. Chỉ tính riêng khu vực vịnh Cát Bà có đến hơn 100 gia đình nuôi cá lồng gặp bão lồng bè bị đánh tan, thiệt hại nặng. Đối với những gia đình có điều kiện sẽ phục hồi nhanh nhưng những hộ dân phải vay mượn để phát triển kinh tế thì gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT TP Hải Phòng, bão đã khiến gần 2.850ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 230 trang trại chăn nuôi bị tốc mái, hỏng hệ thống thông gió, ngập, lụt gây ảnh hưởng và làm gần 213.000 con gia súc, gia cầm chết (đa số là gia cầm).

Theo thống kê sơ bộ về thiệt hại tài sản do bão số 3 gây ra ở Quảng Ninh, đến ngày 11/9, trên 2.402 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 1.273ha lúa, màu bị đổ, ngập úng, ảnh hưởng...

Nhiều bè mảng của các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bão Yagi gây ra tại khu vực hòn Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều bè mảng của các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bão Yagi gây ra tại khu vực hòn Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Tại Vân Đồn, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), nhiều hộ dân bị thiệt hại lồng bè nuôi cá do bị gió bão làm hư hỏng. Theo thống kê sơ bộ của huyện Vân Đồn, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 2.200 tỷ đồng cho ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỷ đồng; cá biển trên 500 tỷ đồng; hải sản khác gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.

Còn tại TP Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, cho hay sơ bộ thông tin từ các hội nghề cá ở phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... cho thấy cơn bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nghề cá các địa phương ven biển, nhất là nghề nuôi trên biển.

Trong đó phần lớn các khu vực nuôi lồng bè ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề bởi bão, có những khu vực thiệt hại đến 90%, thậm chí 99%. Nghề cá nhiều tỉnh thành trong đất liền cũng bị ảnh hưởng nặng do mưa lớn gây lũ lụt.

Thời điểm này, người chăn nuôi chuẩn bị heo giống (heo cai sữa) để nuôi heo thịt cung cấp cho dịp Tết Nguyên đán tới. Trong khi đó, ảnh hưởng của bão lũ khiến đàn gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng nguồn cung heo, gà tại các vùng chăn nuôi phía Bắc chắc chắn sẽ giảm mạnh và khó có thể phục hồi ổn trong các tháng tới.

“Thiệt hại do thiên tai ở các tỉnh miền Bắc rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ sẽ còn kéo dài trong một vài tháng tới. Thời gian qua ở thị trường miền Bắc có mặt bằng giá heo hơi khá cao so với các tỉnh thành còn lại, sắp tới có thể tiếp tục tăng.”, ông Đoán nói.

Tuy nhiên, ông Đoán nói: không lo thiếu hụt vì khu vực miền Trung và miền Nam có thể bù đắp được. Việc tái đàn heo và trâu bò, có thể mất nhiều thời gian hơn, phải mất khoảng 5 - 6 tháng với chăn nuôi heo. Do đó để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt tại chỗ, trước mắt bà con có thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà vì gà có vòng đời ngắn. Đối với thịt lợn, miền Trung và miền Nam có thể tính đến phương án tăng tái đàn để bù vào việc thiếu hụt này, đặc biệt để phục vụ cho nhu cầu tăng cao vào mùa cuối năm, Tết Nguyên đán

Ông Lê Xuân Huy, phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam, nguồn cung không thiếu, mỗi ngày CP cung cấp ra thị trường cả nước hơn 18.000 con lợn và 600.000 - 700.000 con gà.

"Hiện nhà máy chế biến thực phẩm ở Hà Nội vẫn hoạt động bình thường và sẵn sàng tăng công suất nhờ nguồn nguyên liệu dự trữ dồi dào. Công ty cũng có phương án điều chuyển nguồn cung từ miền Trung và miền Nam nếu cần thiết", ông Huy cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An, tổng giám đốc Công ty Vissan, cũng xác nhận nguồn cung cho thị trường phía Bắc không thiếu. Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca, trong khi chi nhánh tại Hà Nội quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành đang hoạt động ổn định. Công ty duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10 - 20 ngày liên tiếp.

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), nói cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm thành phố sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất, đưa lương thực thực phẩm ra miền Bắc để bình ổn thị trường, không để thiếu hàng và đảm bảo không tăng giá bán.

Theo bà Chi, ngay khi nhận được thông tin bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo FFA đã làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực thuộc hiệp hội để đánh giá tình hình cung ứng và tăng cường sản xuất trong tình hình miền Bắc thiếu hàng tạm thời và cả trong thời gian tới.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm khô và thực phẩm chế biến cho các tỉnh miền Bắc để ổn định thị trường, cam kết không tăng giá bán trong suốt giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/giai-bai-toan-cung-ung-thuc-pham-o-mien-bac-trong-thoi-gian-toi-ra-sao-1102334.html