Giải bài toán kết nối cho sân bay Long Thành

Khi vận hành vào năm 2026, sân bay Long Thành dự kiến đón khoảng 70.000 lượt hành khách mỗi ngày. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông tại tỉnh Đồng Nai.

Nếu các tuyến đường kết nối sân bay không được đầu tư nâng cấp, mở rộng kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của Đồng Nai nói riêng và liên kết vùng nói chung.

Cần mở rộng đường cao tốc

Là người thường lái ô tô trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, anh Lê Văn Phong (ngụ quận 8, TPHCM) cho biết, tuyến đường cao tốc này thường xuyên xảy ra ùn ứ vào những ngày cuối tuần, lễ, tết do lưu lượng tăng đột biến, đôi khi chỉ một xe chết máy hay tai nạn cũng đủ khiến đoạn đường bị ùn ứ hàng cây số. Vào những dịp lễ, tết vừa qua, khi phương tiện quá đông trên cao tốc hoặc xảy ra sự cố gây ùn tắc, lực lượng CSGT phải chốt chặn ở phía gần nút giao thông An Phú (TP. Thủ Đức) để đóng - mở cao tốc nhằm điều tiết phương tiện.

“Đường cao tốc mà mặt đường lại chật hẹp, xe cộ đi lại quá đông. Đôi lúc xe tải chở hàng hóa nặng di chuyển kiểu rùa bò trên làn bên trái cũng đủ khiến hàng dài xe phía sau phải di chuyển chậm theo, tốn rất nhiều thời gian. Tình hình bây giờ đã vậy, nhưng đến khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, phương tiện đi lại giữa TPHCM và Đồng Nai gia tăng thì còn sẽ ùn tắc đến mức như thế nào nữa?”- anh Phong lo ngại. Anh Phong cho biết, bản thân anh và nhiều tài xế đều mong muốn tuyến cao tốc này sẽ sớm được mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân.

Giao thông ùn ứ ở khu vực nút giao An Phú - điểm kết nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây Ảnh: H.H

Giao thông ùn ứ ở khu vực nút giao An Phú - điểm kết nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây Ảnh: H.H

Theo ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, đường cao tốc có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp là chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu thông. “Hiện nay, việc xe đời cũ, xe chở hàng quá tải trọng chạy chung làn với ô tô 4 chỗ, 7 chỗ cũng là bất cập. Những xe này chạy chậm khiến xe khác không thể chạy với tốc độ cao. Do đó, cần mở rộng thêm một số làn xe trên đường cao tốc, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về tốc độ tối đa, tối thiểu”- ông Quản nêu ý kiến.

Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành) đã kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thi công hai tuyến giao thông T1, T2 để kết nối đồng bộ khi sân bay Long Thành vận hành. Trong đó, dự kiến việc thi công tuyến T1 sẽ hoàn thành trong tháng 11/2025. Tuyến T2 cũng sẽ hoàn thành thi công vào cuối năm 2025 để bàn giao, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi đưa vào khai thác, đặc biệt là kết nối với TPHCM, các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự kiến khoảng 80% lượng khách sẽ đi về giữa TPHCM với sân bay Long Thành, do đó cần có nhiều tuyến đường kết nối, nhưng trước mắt cần phải mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành vì hiện tại tuyến đường này đã quá tải.

Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT, để bảo đảm nhu cầu vận chuyển hành khách từ năm 2026 của sân bay Long Thành, cần ưu tiên đầu tư mở rộng các tuyến, đoạn tuyến theo quy hoạch, đặc biệt là đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đảm bảo đúng tiến độ.

Theo quy hoạch, khi khai thác ở giai đoạn 1, việc kết nối sân bay Long Thành với TPHCM chủ yếu được thực hiện thông qua các trục giao thông chính. Trong đó, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, với quy mô ban đầu 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp, đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Hiện nay, lưu lượng xe trên tuyến này đã vượt quá khả năng thông hành. Cụ thể, theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trong 6 tháng đầu năm 2024, tuyến cao tốc này có gần 11,7 triệu lượt xe lưu thông, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo đến đầu năm 2025, lưu lượng phương tiện sẽ vượt 25% so với quy mô hiện tại.

Nhiều chỗ vướng

Trước tình hình giao thông thường xuyên ùn tắc ở đoạn đường nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - cửa ngõ phía Đông thành phố, HĐND TPHCM đã có nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2, TP.Thủ Đức), dài 3,2 km. Dự án này có quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe. Trong đó, phần đường có chiều dài 2.192,8 m, chiều rộng 36 m, mở rộng mỗi bên 4,75 m….

Sở GTVT TPHCM cho biết, dự án này có tổng mức đầu tư 938,9 tỷ đồng, được đầu tư từ vốn ngân sách. Đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức là một phần của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, giữ vai trò tuyến kết nối chính của cao tốc Bắc - Nam với TPHCM.

Theo Sở GTVT TPHCM, việc mở rộng đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 sẽ đồng bộ với dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành (dự án do VEC làm chủ đầu tư) nhằm phục vụ nhu cầu vận tải cho khu vực và khi hoàn thành cũng sẽ tăng khả năng kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án đang triển khai tại khu vực phía Đông thành phố như nút giao thông An Phú, mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, Vành đai 2 TPHCM...

Thông tin với PV về tiến độ dự án này, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông TPHCM cho biết, cơ quan chức năng đã trình chủ trương đầu tư. Dự kiến trong quý I/2025 sẽ lập, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Quý I và quý II/2025 sẽ lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán dự án. Quý III/2025, sẽ lập, trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công. “Chúng tôi phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025 và hoàn thành vào quý IV/2026 sẽ hoàn thành và nghiệm thu công trình đưa vào khai thác sử dụng”, ông Phúc thông tin.

Về công trình nút giao thông An Phú, lãnh đạo Ban Giao thông TPHCM cho biết, nút giao này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến đường khu vực phía đông TPHCM. Hiện nay, Ban Giao thông thành phố phấn đấu hoàn thành nhánh hầm thứ nhất vào quý I/2025. Trong năm 2025 sẽ hoàn thành tất cả cầu vượt, nhánh hầm thứ hai, các hạng mục công trình còn lại của nút giao An Phú để phục vụ giao thông cửa ngõ phía Đông thành phố, giảm thiểu tình trạng ùn tắc ở khu vực này.

Về vấn đề mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành, VEC được giao nhiệm vụ đầu tư mở rộng tiếp đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 lên 8 làn xe. Đoạn từ Vành đai 3 đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng sẽ mở rộng thành 10 làn xe. Cầu Long Thành sẽ được bổ sung một nhịp cầu mới, nâng quy mô lên 10 làn xe. Tổng vốn đầu tư cho các dự án mở rộng này gần 15.000 tỷ đồng. Hồi giữa năm nay, VEC ký kết hợp đồng khung với Vietcombank về việc thu xếp cấp tín dụng cho dự án. Nếu thuận lợi, dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2027, góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến khi sân bay Long Thành đi vào vận hành.

Tuy có một số dự án đang rục rịch chuyển động tích cực, nhưng ở phía tỉnh Đồng Nai, một số dự án vẫn còn triển khai chậm do vấn đề mặt bằng và thu xếp nguồn vốn. Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đoạn dự án qua địa bàn tỉnh đang chậm trễ do vướng giải phóng mặt bằng. Tương tự, dự án Vành đai 3 TPHCM đoạn qua Đồng Nai vẫn còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và thiếu đất đắp. Đối với 3 tuyến đường nội tỉnh Đồng Nai, hiện cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn do việc đấu giá đất của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Quốc hội hỗ trợ để thực hiện các dự án này.

Đầu tháng 11, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị đang phối hợp với Sở GTVT TPHCM xem xét, bổ sung 5 tuyến xe buýt từ TPHCM kết nối với sân bay Long Thành tại huyện Long Thành (Đồng Nai) nhằm tăng cường khả năng vận tải hành khách công cộng khi sân bay Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026.

Trước đó, Sở GTVT TPHCM đề xuất phương án triển khai 3 tuyến giao thông đường thủy kết nối TPHCM tới sân bay Long Thành nhằm tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển sau khi sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng, gồm tuyến bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) đến bến du thuyền Swan Bay (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); tuyến Nhà Bè - Nhơn Trạch; tuyến Cát Lái - Nhơn Trạch.

Theo các chuyên gia, những tuyến đường thủy này chủ yếu có vai trò phục vụ du lịch. Cơ quan chức năng đang nghiên cứu tính khả thi và hiệu quả của các tuyến này để có phương án khai thác phù hợp.

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Đồng Nai mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị thi công dự án phải khớp nối đồng bộ dự án sân bay Long Thành với các dự án hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng. Việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành phải huy động toàn bộ nguồn lực từ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn địa phương cũng như các hình thức đầu tư khác. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu: “Sân bay Long Thành giai đoạn 1 xây dựng xong thì phải kết nối được với TPHCM và các tỉnh khác. Đây là vấn đề cần phải làm ngay, làm đồng bộ. Đừng để sân bay Long Thành vận hành nhưng chưa có đường kết nối, như vậy sẽ không hiệu quả”.

Mạnh Thắng - Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giai-bai-toan-ket-noi-cho-san-bay-long-thanh-post1696077.tpo