Quốc hội tán thành tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Sáng 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với 454/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78% tổng số đại biểu).

Nghị quyết nêu rõ, chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng, thành phố Thủy Nguyên, huyện, xã, thị trấn tại thành phố là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Chính quyền địa phương ở các quận là Ủy ban nhân dân quận. Còn chính quyền địa phương ở các phường là Ủy ban nhân dân phường. Điều đó có nghĩa sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường.

Đại biểu Quốc hội làm việc trên hội trường Diên Hồng

Đại biểu Quốc hội làm việc trên hội trường Diên Hồng

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị thống nhất trên phạm vi cả nước.

Về ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng như các Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đã dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền đô thị như ý kiến góp ý.

Hiện nay, các cơ quan của Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, UBTVQH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét dự án luật này trước năm 2026.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên, nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng cơ bản thực hiện theo quy định chung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, để bảo đảm cho HĐND thành phố Thủy Nguyên thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với vị trí, vai trò của thành phố thuộc Thành phố, Quốc hội cho phép quy định rõ trong Nghị quyết HĐND thành phố Thủy Nguyên được thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế - Đô thị và Ban Kinh tế - Xã hội, đồng thời xác định cụ thể về lĩnh vực phụ trách của các ban nói trên.

Đại biểu Quốc hội tán thành tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Đại biểu Quốc hội tán thành tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Liên quan hiệu lực thi hành, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 để địa phương có đủ thời gian chuẩn bị các công việc cần thiết cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp của Thành phố.

Việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng theo mô hình quy định tại nghị quyết này sẽ được thực hiện chính thức từ ngày 01/7/2026 để tương ứng với nhiệm kỳ 2026 - 2031 của HĐND, UBND các cấp như đối với các địa phương khác.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-tan-thanh-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-hai-phong-post1138991.vov