Giải bài toán nhân lực chất lượng cao
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là đột phá chiến lược của ngành y tế nhằm chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt các mục tiêu phát triển bền vững
Tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đang là thách thức lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nhiều địa phương trên cả nước.
Chuyên khoa nào cũng thiếu
Dự báo đến năm 2039, số người cao tuổi ở Việt Nam tăng lên khoảng 16,8 triệu và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả và chất lượng cho người cao tuổi.
Thực tế cho thấy dù nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng gia tăng nhưng hiện chỉ có 2 cơ sở đào tạo chuyên ngành lão khoa là Trường ĐH Y Dược TP HCM và Trường ĐH Y Hà Nội, bên cạnh 2 bệnh viện lớn chuyên về lão khoa là Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM). Trong khi đó, các bệnh viện đa khoa có khoa lão nhưng chưa đủ nhân lực và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng Bộ môn Lão khoa - Trường Đại học Y Dược TP HCM, lý giải một trong những nguyên nhân chính khiến nhân lực lão khoa thiếu hụt là thiếu các chương trình đào tạo chất lượng cao, thiếu sự quan tâm đúng mức từ các cơ sở giáo dục cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Theo PGS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, hệ thống lão khoa cần được phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu gia tăng của dân số cao tuổi. Việc đào tạo thêm nhân lực chuyên ngành lão khoa sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và giảm tải cho các bệnh viện đa khoa.
Tại TP HCM, không chỉ lão khoa, hầu hết các chuyên khoa đều thiếu nhân lực chất lượng cao, chẳng hạn nhân lực điều dưỡng. BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết bệnh viện hiện có khoảng 300 điều dưỡng, phần lớn trình độ cao đẳng và đại học. Số điều dưỡng này chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Do đó, các bác sĩ phải đảm nhận thêm một số công việc thuộc trách nhiệm của điều dưỡng. Tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, số lượng điều dưỡng hiện chỉ có 100 người. Những năm qua, bệnh viện hợp tác với các trường đào tạo y tế nhưng vẫn thiếu hụt nhân lực ngành này.
Trước thực tế trên, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y tế. Một trong những giải pháp quan trọng là hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố. TP HCM cũng cho phép ngành y tế bổ sung y - bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đã nghỉ hưu để tham gia hệ thống y tế cơ sở.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nguồn nhân lực của ngành y tế thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ cấu. Thách thức lớn hiện nay mà thành phố cần giải quyết là phải có giải pháp đột phá đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân TP HCM và cả khu vực phía Nam.

Để phát triển bền vững, ngành y tế phải đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: NGỌC DUNG

Y - bác sĩ Khoa Y học thực nghiệm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trao đổi chuyên môn về thực nghiệm y khoa
Ưu tiên đầu tư 6 bệnh viện tầm quốc tế
Nguồn nhân lực y tế đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; là yếu tố quyết định góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan sức khỏe. Trên bình diện quốc gia, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là đột phá chiến lược của ngành y tế.
Một trong những giải pháp mang tính đột phá là cuối năm 2024, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 175.
Là một trong những bệnh viện nằm trong quy hoạch, những năm qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đầu tư nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại và quy tụ đội ngũ y - bác sĩ giỏi với hơn 3.000 người. GS-TS Lê Hữu Song, Giám đốc bệnh viện, cho rằng để phát triển bền vững thì phải đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế mạnh của bệnh viện là đồng bộ và tiếp cận thế mạnh của thế giới. Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật hiện nay hầu hết được học ở Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc..., được chuẩn bị từ hàng chục năm trước.
"Chúng tôi phấn đấu một năm phải có 3-5 kỹ thuật mới chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng chi 1% doanh thu để đầu tư vào việc đào tạo nghiên cứu khoa học. Các kết quả của đề tài đó yêu cầu là phải được ứng dụng trong thực tiễn, phải là nghiên cứu mới" - GS Song nhấn mạnh.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng liên tục đẩy mạnh đào tạo, tăng cường hợp tác nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ với hơn 40 nước và nhiều tổ chức quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật, tinh hoa y học trên thế giới. Đây được coi là nền tảng, tạo đà để bệnh viện phát triển vượt bậc về mọi mặt.
Cách làm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã và đang được nhiều bệnh viện áp dụng, từng bước đưa ngành y tế phát triển. Nhờ nỗ lực này, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, từ một nền y học còn lạc hậu, đến nay, hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê đánh giá: "Nhiều bệnh viện đã ứng dụng và làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới. Trong đó, nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa do chính các bác sĩ Việt Nam làm thầy, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ các nước trên thế giới. Đặc biệt, ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để chữa bệnh".

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: “Phải đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực ngành y”
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan:
Đổi mới đào tạo, hướng đến hội nhập quốc tế
Bộ Y tế đang đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực ngành y. Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Bộ Y tế phê duyệt với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức. Đề án kỳ vọng nâng cao năng lực chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.
Trong việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế xác định xây dựng và thực hiện các chuẩn năng lực đào tạo, quy định về đào tạo chuyên khoa đặc thù. Ngoài ra, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trong đó tăng thêm cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; khuyến khích mô hình liên kết cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành tại địa phương. Bộ Y tế cũng sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, miễn giảm học phí để khuyến khích người theo học các ngành khó thu hút và khuyến khích nhân lực y tế làm việc ở vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú để có thêm nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Hơn 50 năm qua, chương trình đào tạo bác sĩ nội trú được coi là tinh hoa đào tạo của ngành y tế. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú, học viên có thể hành nghề ngay lập tức, không phải trải qua bất kỳ khóa học nào khác và cơ hội làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương, đầu ngành là rất lớn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-bai-toan-nhan-luc-chat-luong-cao-196250224205711979.htm