Giải bài toán tăng sức hấp dẫn của HTX với nông dân, hộ cá thể

Vai trò của kinh tế tập thể, HTX và lợi ích khi tham gia HTX ngày càng được khẳng định nhưng không phải người nông dân nào cũng thấy rõ. Chính vì vậy mà không ít nông dân, hộ cá thể vẫn còn chần chừ khi tham gia mô hình này.

Nhờ đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn trong sản xuất lúa, mọi khâu từ gieo mạ đến thu hoạch, sơ chế của HTX Nam Thành (Nam Định) đều được sử dụng máy móc đồng bộ.

Lợi ích thấy rõ

Hộ nông dân nào không có nhu cầu làm lúa có thể giao đất HTX theo mô hình liên kết, sau vụ thu hoạch, những hộ này sẽ nhận lại thóc hoặc tiền mặt tương ứng với diện tích đất ruộng. Dù làm nông nghiệp nhưng người dân, thành viên HTX cảm thấy không hề cơ cực hay vất vả.

Còn HTX Nông nghiệp Ngọc An (Bình Định) đã giúp thành viên và người dân nâng cao giá trị kinh tế từ cây dừa. Trong đó, ngoài phát triển diện tích dừa hàng hóa, HTX còn thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chế biến từ dừa (tinh dầu dừa, bánh tráng nước dừa) theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Đặc biệt, việc hình thành HTX Ngọc An còn giúp cho ngành dừa ở Hoài Nhơn phát triển và trở thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, giúp người dân đoàn kết trong sản xuất và nâng cao giá trị cho loại cây truyền thống.

Từ những mô hình này, dù chưa thể nói rằng liên kết trong sản xuất thông qua mô hình kinh tế tập thể là đáp án cuối cùng và duy nhất mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp nhưng cách mà HTX Ngọc An và Nam Thành đang làm cũng đáng để các địa phương khác học tập.

HTX Ngọc An hỗ trợ người dân sản xuất dừa hữu cơ để phục vụ cho chế biến sâu.

HTX Ngọc An hỗ trợ người dân sản xuất dừa hữu cơ để phục vụ cho chế biến sâu.

Bởi nếu muốn phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa, mỗi địa phương sẽ có hướng đi khác nhau, từ đó mang lại những hiệu quả và giá trị khác nhau. Tuy nhiên, đối với ngành nông nghiệp, những mô hình sản xuất theo HTX kiểu mới đang mở ra hy vọng cho người nông dân, giúp nhiều vùng nông thôn thật sự chuyển mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương, đất nước.

Ngược lại, nếu người dân không tham gia liên kết, không vào HTX mà chỉ hoạt động đơn lẻ, manh mún thì rất khó giải quyết những khó khăn nội tại mà ngành nông nghiệp đang gặp phải: sản xuất không theo quy hoạch, gặp khó về đầu ra, không đáp ứng được các đơn hàng lớn… Trong khi nông dân đang đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất, biến đổi khí hậu, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ…

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, HTX kiểu mới khuyến khích nông dân trồng lúa áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp người dân tăng năng suất, thêm lợi nhuận ít nhất 20-30% so với những hộ không tham gia làm thành viên HTX. Bên cạnh đó, HTX cũng giống như một kênh tiếp thị, có thể giúp thành viên bán nông sản hiệu quả thông qua liên kết với doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, phát triển và nhân rộng mô hình HTX ở các vùng nông thôn là điều hết sức cần thiết. TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, cho rằng nông dân đang chiếm đến 60-65% dân số cả nước và vùng nông thôn cũng đang chiếm đến 70% địa bàn cả nước nhưng nông sản làm ra lại rẻ mạt, luôn phải giải cứu. Còn muốn đưa nông sản lên thành thị lại phát sinh rất nhiều chi phí khiến nông sản đến tay người tiêu dùng đắt đỏ.

Chính vì vậy, theo ông Sơn, chỉ có phát triển HTX và đưa HTX phát triển thành các chuỗi giá trị ngắn thì sẽ giải quyết được bài toán trên.

Đặc biệt, càng đi sâu vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương đều nhận thấy, liên kết, hợp tác thông qua mô hình kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX có vai trò quan trọng để sắp xếp, tổ chức lại nền nông nghiệp. Người dân cũng không thể sản xuất theo ý thích, chờ vận may của thị trường mà phải bảo đảm hài hòa cung–cầu, phải liên kết để mua chung, bán chung nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư…

Kỳ vọng chính sách đổi mới

Dù HTX mang lại hiệu quả như vậy nhưng trên thực tế, không ít người dân vẫn còn chần chừ khi tham gia vào mô hình kinh tế này.

Thống kê chỉ ra, trái ngược với xu hướng tăng số lượng HTX, số thành viên HTX năm 2021 giảm gần 1,87 triệu thành viên so với năm 2013. Điều này cho thấy, HTX chưa thu hút được nhiều nông dân, hộ cá thể tham gia.

Người dân, hộ cá thể chưa mặn mà với HTX được cho là vì đa số các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi nhiều thời gian lao động và gắn bó trong khi thu nhập mang lại trong mô hình này chưa được như mong muốn của nhiều người. Trong khi thời gian gần đây, thị trường nông sản phẩm bấp bênh ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp trong HTX.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng nhiều nông hộ vẫn quen với lối sản xuất tự do, không gò bó nên không thích tham gia HTX.

Bên cạnh đó, mô hình này đang gặp khó khăn trong việc góp vốn, hình thành tài sản. Môi trường thể chế, chính sách cũng chưa mang tính đột phá để thúc đẩy HTX phát triển. Vấn đề quản lý nhà nước về kinh té tập thể, HTX chưa có sự thống nhất giữa các ngành và các địa phương nên nhiều hộ nông dân chưa nhận thấy và chưa đánh giá đúng vai trò của HTX kiểu mới.

Để thu hút người dân tham gia HTX, theo GS.TS Trần Đức Viên, điều quan trọng nhất là các chính sách về kinh tế tế tập thể, nhất là dự thảo Luật HTX năm 2012 (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có cái nhìn thực tế, khách quan về HTX.

Các chính sách được xây dựng phải dựa trên việc xác định vai trò của HTX là tổ chức quy tụ nông dân để trở thành đối tác, đầu mối liên kết với doanh nghiệp và gắn với chuỗi giá trị hàng hóa.

Những chính sách hỗ trợ HTX cũng cần dựa trên hiệu quả hoạt động của HTX hoặc đóng vai trò “bà đỡ” để tạo đà cho HTX phát triển bền vững, tránh việc có chính sách nhưng rất khó tiếp cận.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/giai-bai-toan-tang-suc-hap-dan-cua-htx-voi-nong-dan-ho-ca-the-1091479.html