Giải bài toán thiếu cát cho ĐBSCL
Tám dự án đường cao tốc tại ĐBSCL đang triển khai thủ tục chuẩn bị khởi công và đang thi công với tổng chiều dài hơn 463km.
Trong đó, nhiều dự án đường cao tốc như Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 22,97km; Cần Thơ - Cà Mau dài 111km và tuyến nối gần 26km; Cao Lãnh - An Hữu dài 28km; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km, sẽ trong tình trạng “đói cát”. Chưa kể nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông và dân dụng khác của các địa phương làm đường cao tốc ở vùng này cần khoảng 39 triệu m3 cát.
Ước tính, các mỏ cát sông tập trung tại các tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp, một phần thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, còn lại trữ lượng cát sông thuộc địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh rất hạn chế. Trong khi đó, thông tin về tổng trữ lượng cát biển thuộc Sóc Trăng ước tính khoảng 13 tỷ m3 còn ở dạng tiềm năng cần tiếp tục nghiên cứu thận trọng.
Dự án nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ cho tàu tải trọng lớn vào các cảng trên sông Hậu, kết hợp thu hồi lượng bùn thải được Quốc hội cho phép Cần Thơ áp dụng thí điểm kỳ vọng cung cấp một lượng bùn thải nhiều năm qua bỏ đi, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Ý kiến về việc tận dụng hàng chục triệu tấn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than cũng như nguồn vật liệu xây dựng thay thế từ đất, sỏi, đá, cát biển trong vùng cũng như từ khu vực Nam Trung bộ vẫn còn tiếp tục được nghiên cứu.
Vấn đề thiếu cát, vật liệu xây dựng càng nóng hơn trước thách thức về nguồn cung, trong khi các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo nóng về tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trong khu vực xảy ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500ha đất và hơn 68% bờ biển đang đối mặt với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu trầm tích sông cho các bờ biển, nên việc khai thác cát biển được cảnh báo cần được nghiên cứu và đánh giá thận trọng.
Bên cạnh giải pháp trước mắt thì việc xây dựng “ngân hàng cát” theo hướng tiếp cận bền vững từ đề xuất của các nhà bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm. Về lâu dài, thiếu nguồn cát cho xây dựng công trình dự báo tiếp tục là vấn đề nóng, rất cần các giải pháp vật liệu xây dựng thay thế, giải pháp và công nghệ mới cho thi công các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng ít sử dụng vật liệu cát. Việc chuyển sang xây cầu vượt, đường vượt trên cao cần được khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng và tiêu chí ưu tiên phân bổ nguồn vốn. Giải quyết tình trạng thiếu cát cần được tiếp cận và giải quyết bằng bài toán tổng thể công trình và phi công trình, thay vì chỉ chú trọng gia tăng sản lượng khai thác cát.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-bai-toan-thieu-cat-cho-dbscl-post680573.html