Giải bài toán tối ưu lợi nhuận cho tài xế chạy dịch vụ với xe điện

Nhờ giá xe cạnh tranh cùng chi phí sử dụng thấp so với xe xăng, VinFast VF 5 Plus trở thành lựa chọn đáng cân nhắc với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ vận tải.

 VinFast VF 5 Plus là một lựa chọn mới cho ngành dịch vụ. Ảnh: Xanh SM.

VinFast VF 5 Plus là một lựa chọn mới cho ngành dịch vụ. Ảnh: Xanh SM.

Tại Việt Nam hiện tại, thị phần của nhóm xe hạng A đang dần ngả về nhóm SUV gầm cao, bao gồm Kia Sonet, Toyota Raize, Hyundai Venue cùng đại diện thuần điện duy nhất VinFast VF 5 Plus.

Trong số này, không ít mẫu xe đang được sử dụng làm phương tiện kinh doanh dịch vụ vận tải, đồng thời được các cá nhân cũng như những công ty vận tải ưa chuộng nhờ giá bán dễ tiếp cận, còn chi phí sử dụng cũng thấp hơn so với các xe cỡ B trên thị trường.

Giữa xu hướng đó, VinFast VF 5 Plus trở thành cái tên khá nổi bật nhờ những lợi ích về kinh tế, cả về góc độ sử dụng gia đình lẫn khi phục vụ mục đích kinh doanh vận tải.

Chi phí sử dụng rẻ

Trao đổi với Tri thức - Znews, anh Bùi Văn Vũ - tài xế taxi Xanh SM - chia sẻ chi phí sử dụng của xe điện là thấp hơn khá nhiều so với xe xăng.

“Từ kinh nghiệm sử dụng của bản thân, tôi nhận thấy chi phí năng lượng trên mỗi km của VinFast VF 5 Plus chỉ là khoảng 500 đồng/km. Trong khi đó, đợt bảo dưỡng cấp 1 ở mốc 36.000 km cũng chỉ mất khoảng 370.000 đồng”, anh Văn Vũ chia sẻ.

Được biết, anh Văn Vũ gia nhập đội ngũ tài xế Xanh SM từ khoảng tháng 12/2023. Trước khi chuyển sang lái taxi điện, anh Vũ đã có thời gian làm việc cho một hãng taxi truyền thống trong khoảng 6 năm, đồng thời cũng từng mua xe xăng để tự chạy taxi công nghệ trong vòng 3 năm.

“Trước đây tôi từng mua một chiếc Chevrolet Spark để chạy taxi công nghệ. Đến khi chuyển sang lái xe điện cho Xanh SM, tôi mới nhận ra sử dụng ôtô điện thật sự rất tiết kiệm”, anh Văn Vũ cho biết.

 SUV điện VinFast VF 5 Plus trở thành một lựa chọn thú vị để chạy dịch vụ nhờ chi phí sử dụng rẻ. Ảnh: Bối Hạ.

SUV điện VinFast VF 5 Plus trở thành một lựa chọn thú vị để chạy dịch vụ nhờ chi phí sử dụng rẻ. Ảnh: Bối Hạ.

Cùng chia sẻ quan điểm với anh Văn Vũ, anh Cường - một người kinh doanh dịch vụ vận tải bằng VinFast VF 5 Plus - cho biết mình sử dụng xe trung bình mỗi tháng khoảng 9.000 km. Do lựa chọn phương án không mua xe kèm pin, anh cho biết mình phải chi thêm 1,6 triệu đồng thuê pin (mức giá cũ) cộng với khoảng 3,6 triệu đồng sạc xe tại các điểm sạc công cộng. Như vậy, tổng chi phí vận hành xe mỗi tháng là khoảng 5,2 triệu đồng.

“Tôi tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng chi phí từ khi chuyển sang chạy dịch vụ bằng xe điện VF 5 Plus”, anh Cường chia sẻ.

Anh Phùng Thế Trọng - chủ kênh YouTube Xế Cộng - cũng từng thử tính toán chi phí sử dụng VF 5 Plus cho từng phương án khi mua xe. Cụ thể, nếu khách hàng mua xe kèm pin, chi phí vận hành của mẫu SUV cỡ A này chỉ rơi vào khoảng 400 đồng/km, trong khi tùy chọn thuê pin sẽ tốn khoảng 900 đồng/km do phải cộng thêm 1,6 triệu đồng phí thuê pin theo chính sách cũ của VinFast.

Tiết kiệm so với xe xăng

Hiện, VinFast đang áp dụng đơn giá sạc 3.858 đồng/kWh tại các trụ sạc công cộng trên toàn quốc. Giả sử trung bình mỗi tháng xe điện VF 5 Plus được vận hành trên quãng đường 6.000 km, tổng lượng điện mà mẫu SUV cỡ A này tiêu thụ là khoảng 690 kWh điện, dựa trên mức tiêu thụ năng lượng 115 Wh/km do VinFast công bố.

Như vậy, mỗi tháng chủ xe điện VinFast VF 5 Plus nói trên phải trả khoản tiền gần 2,7 triệu đồng cho chi phí sạc pin tại các trụ sạc công cộng. Nếu lựa chọn phương án thuê pin vào thời điểm này, chủ xe phải chi thêm 2,7 triệu đồng hàng tháng do quãng đường di chuyển là trên 3.000 km/tháng.

Để tiện so sánh, chi phí nhiên liệu phải trả trên cùng quãng đường của các mẫu xe hạng A gầm thấp như Kia Morning, Toyota Wigo hay Hyundai Grand i10 đều không thấp hơn 6,9 triệu đồng, tính theo mức tiêu hao nhiên liệu trung bình do hãng xe công bố.

Với các mẫu SUV cỡ A như Toyota Raize, Kia Sonet và Hyundai Venue, chi phí nhiên liệu để vận hành trên quãng đường 6.000 km cũng không dưới 7,4 triệu đồng. Trong số này, 2 mẫu xe sử dụng động cơ xăng tăng áp 1.0L là Venue và Raize lại tiêu thụ nhiên liệu có phần nhiều hơn so với Kia Sonet vốn được trang bị động cơ xăng dung tích 1.5L.

Ngoài ra, đợt bảo dưỡng đầu tiên đối với VinFast VF 5 Plus được hãng đề xuất ở mốc 12.000 km cũng là một ưu điểm của mẫu SUV điện cỡ A so với các đối thủ cùng phân khúc. Thông thường, mốc bảo dưỡng đầu tiên của các mẫu xe xăng trên thị trường đang là sau 5.000 km di chuyển. Thậm chí, Hyundai và Kia còn khuyến khích khách hàng đưa xe đi kiểm tra sau khi đồng hồ ODO đạt mốc 1.000 km.

Ưu thế về chi phí sử dụng cũng được cho là một phần nguyên nhân giúp VinFast VF 5 Plus đang tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường ôtô Việt Nam. Báo cáo bán hàng từ VinFast cho hay mẫu SUV cỡ A thu về doanh số gần 5.000 xe trong quý đầu năm, chiếm hơn nửa thị phần nhóm xe cỡ A tại thị trường xe Việt.

Trong cùng kỳ, tổng doanh số của Hyundai Grand i10, Toyota Wigo và Kia Morning là 2.043 xe, trong khi doanh số chung của Kia Sonet, Toyota Raize và Hyundai Venue là 3.332 xe.

Nhanh hoàn vốn

Hiện, VinFast VF 5 Plus có giá niêm yết 468 triệu đồng chưa bao gồm pin. Nếu khách hàng lựa chọn phương án mua đứt pin, giá xe sẽ tăng lên thành 548 triệu đồng.

Trong khi đó, Toyota Raize sau đợt điều chỉnh đầu năm đang có giá niêm yết 498 triệu đồng. Kia Sonet có giá bán dao động từ 524 triệu đến 584 triệu đồng, còn Hyundai Venue được niêm yết trong khoảng 539-579 triệu đồng.

Kia Morning đang là mẫu xe cỡ A có giá khởi điểm dễ tiếp cận nhất thị trường, ở mức 349 triệu đồng cho phiên bản MT. Toyota Wigo có 2 phiên bản với giá niêm yết từ 360 triệu đến 405 triệu đồng, còn Hyundai Grand i10 thế hệ hiện tại đang được niêm yết trong khoảng 360-455 triệu đồng.

Như vậy, VinFast VF 5 Plus có giá khởi điểm cao hơn khoảng 100 triệu đồng so với xe cỡ A gầm thấp, đồng thời vẫn rất cạnh tranh so với các mẫu xe trong cùng phân khúc SUV cỡ A. Với nhóm khách hàng chạy dịch vụ, chi phí sở hữu xe luôn là một yếu tố đáng cân nhắc, bên cạnh số tiền phải trả hàng tháng cho chi phí vận hành.

 VinFast VF 5 Plus có giá bán khá cạnh tranh. Ảnh: Bối Hạ.

VinFast VF 5 Plus có giá bán khá cạnh tranh. Ảnh: Bối Hạ.

Theo chia sẻ của nhiều tài xế, mức thu nhập trung bình đối với dịch vụ taxi điện Xanh SM Taxi là 16 triệu đồng/tháng. Thậm chí, với chế độ lương cứng và các chương trình thưởng, tài xế taxi điện có thể thực nhận đến 25 triệu đồng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, Xanh SM cũng tung ra Xanh SM Platform để kết nối giữa người sở hữu xe điện có nhu cầu chạy xe dịch vụ (toàn thời gian hoặc bán thời gian) và khách hàng có nhu cầu di chuyển. Với các đối tác tiềm năng chưa sở hữu xe điện, Xanh SM Platform hỗ trợ cho vay tối đa 70% giá trị xe cùng lãi suất cố định 5% trong 2 năm đầu tiên.

Chi phí sử dụng thấp cùng các chính sách hấp dẫn và tỷ lệ chia sẻ doanh thu đến 80% trên Xanh SM Platform là một yếu tố giúp VinFast VF 5 Plus nói riêng và xe điện VinFast nói chung đang trở thành những sản phẩm nhanh hoàn vốn cho các khách hàng có nhu cầu mua xe chạy dịch vụ.

Nhìn chung xe điện được sử dụng làm xe chạy dịch vụ không còn xa lạ trên thế giới, và với sự phát triển của thị trường, Việt Nam trong vài năm tới có thể sẽ có thêm nhiều xe điện được sử dụng làm taxi hay xe công nghệ. VinFast và các lựa chọn xe điện khác sẽ là những lựa chọn phù hợp cho nhiều đối tượng, trong đó có những người muốn sử dụng làm dịch vụ vận tải.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/giai-bai-toan-toi-uu-loi-nhuan-cho-tai-xe-chay-dich-vu-voi-xe-dien-post1478500.html