Nguyên nhân và cách khắc phục phanh ô tô bị bó cứng

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng phanh xe ô tô bị bó cứng. Khi gặp tình trạng này chủ xe cần khắc phục kịp thời để hạn chế sự cố nguy hiểm xảy ra.

Má phanh nở do lọt nước

Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng bó phanh khi đỗ xe qua đêm. Trong suốt quá trình rửa xe hoặc lái xe ô tô dưới trời mưa, nước có thể lọt vào hệ thống phanh, gây ra các hiện tượng má phanh bị nở dẫn đến bị bó cứng.

Để khắc phục tình trạng này, chủ xe cần phải làm khô má phanh, chống nước lọt vào khoang động cơ sau khi rửa xe. Nếu dừng xe ngay sau khi đi qua đoạn đường ngập nước, không nên kéo phanh tay ngay, chỉ nên cài số P và chèn bánh xe để tránh trường hợp xe bị trôi.

Má phanh nở do bị lọt nước sẽ gây ra hiện tượng bó phanh khi đỗ xe qua đêm. Ảnh minh họa.

Má phanh nở do bị lọt nước sẽ gây ra hiện tượng bó phanh khi đỗ xe qua đêm. Ảnh minh họa.

Cách xử lý tốt nhất đối với tình huống này là tài xế nên di chuyển tiến/lùi trong một phạm vi ngắn để làm nóng má phanh và đĩa phanh, từ đó có thể loại bỏ nước mưa hay nước rửa xe, giúp hạn chế hiện tượng bó phanh.

Má phanh bị mòn quá mức

Má phanh bị mòn quá mức cho phép cũng dẫn đến đĩa phanh bị mòn, khiến nó mỏng hơn độ dày tiêu chuẩn. Điều này sẽ khiến cho pít tông phanh bị đẩy quá giới hạn, khó thu về. Những nguyên nhân này dẫn đến hiện tượng bó chặt vào trống hoặc đĩa phanh.

Má phanh bị mòn quá mức sẽ gây ra hiện tượng bó phanh. Ảnh minh họa.

Má phanh bị mòn quá mức sẽ gây ra hiện tượng bó phanh. Ảnh minh họa.

Lỗi về má phanh bị mòn quá mức chủ yếu xảy ra do không được kiểm tra bảo dưỡng thay thế định kỳ.

Vì vậy, khi xe gặp phải tình trạng trên, chủ xe cần tháo bánh xe, tháo cụm phanh, lấy tua vít đẩy pít-tông về vị trí cũ là xe có thể tiếp tục di chuyển. Sau đó cần mang xe đến trung tâm sửa chữa gần nhất.

Ắc suốt, đĩa phanh bị hư hỏng

Khi phanh xe, pít-tông phanh sẽ tác động một lực lớn lên ắc suốt phanh, giúp phanh hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như bị gỉ sét, ắc suốt phanh không thể quay về vị trí ban đầu, dẫn đến tình trạng bó phanh.

Để khắc phục tình trạng này, hãy tháo ắc suốt ra vệ sinh, tra dầu mỡ để bôi trơn. Đồng thời kiểm tra lại pít-tông phanh cũng như má phanh và đĩa phanh. Nếu ắc suốt, gioăng cao su bị hư hỏng, cần thay thế mới ngay các chi tiết này.

Chủ xe cần thường xuyên bảo dưỡng kiểm tra ắc suất và đĩa phanh. Ảnh minh họa.

Chủ xe cần thường xuyên bảo dưỡng kiểm tra ắc suất và đĩa phanh. Ảnh minh họa.

Trường hợp đĩa phanh bị biến dạng, quay không đều, đảo… sẽ khiến má phanh bị ghì chặt lại, gây bó phanh. Trường hợp này, tài xế cần đem xe đi kiểm tra sửa chữa tránh sự cố nguy hiểm có thể xảy ra.

Việc sửa chữa thiếu kinh nghiệm cũng sẽ làm cho xe dễ bị bó phanh. Bởi nếu như thợ sửa chữa điều chỉnh biên độ bàn đạp phanh quá nhỏ, khi sử dụng má phanh liên tục bị tì vào trống hoặc đĩa phanh sẽ còn gây ra hiện tượng phanh xe ô tô bị bó cứng.

Motor phanh gặp hư hỏng

Hiện tượng này chỉ xuất hiện trên những chiếc xe được trang bị hệ thống phanh tay điện tử. Khi cài phanh tay điện tử, motor phanh đỗ sẽ điều khiển má phanh áp sát vào đĩa phanh nhằm tạo áp lực giữ xe không bị trôi.

Do cấu tạo nằm gần đĩa phanh nên motor phanh đỗ thường dễ bị kẹt do cát bụi. Khi motor phanh đỗ bị kẹt sẽ không thể điều khiển má phanh nhả khỏi đĩa phanh từ đó dẫn đến tình trạng bó phanh.

Motor phanh gặp hư hỏng sẽ gây ra hiện tượng bó phanh. Ảnh minh họa.

Motor phanh gặp hư hỏng sẽ gây ra hiện tượng bó phanh. Ảnh minh họa.

Trong trường hợp nhấn nút điều khiển hạ phanh tay điện tử mà xe vẫn không thể di chuyển, chủ xe cần chú ý lắng nghe tiếng motor phanh có hoạt động không.

Nếu motor phanh đỗ không hoạt động cần gọi xe cứu hộ đưa tới trung tâm sửa chữa. Việc cố gắng lái xe khi phanh tay điện tử gặp hư hỏng có thể dẫn tới những sự cố nguy hiểm.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-phanh-o-to-bi-bo-cung-192240625110350231.htm