Giải cứu các dự án điện tái tạo phải công khai, minh bạch

Quy mô các dự án tái tạo đã đầu tư lên đến 308.409 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án vi phạm, cần được tháo gỡ để giải phóng nguồn lực. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, không hợp thức hóa những người làm sai nhưng phải có giải pháp cho các công trình đã đầu tư hoàn chỉnh để không lãng phí nguồn lực của xã hội. Đồng thời, nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng...

Gây lãng phí nguồn năng lượng tái tạo

Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hướng tới NetZero vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26. Nền kinh tế nước ta cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều ngành công nghệ đòi hỏi cần nguồn điện lớn, ổn định, chất lượng cao.

Nhu cầu tiêu thụ điện của nước ta tăng 12 - 13% mỗi năm. Theo tính toán của các chuyên gia, dự kiến tổng công suất hệ thống điện sẽ cần bổ sung khoảng 70 GW vào năm 2030 và từ 400 - 500 GW vào năm 2050. Đó là con số khổng lồ để đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp. Chính vì vậy, việc giải cứu những dự án điện tái tạo bị "đắp chiếu" trong thời gian qua mà Chính phủ đang thực hiện rất quan trọng, để đưa nhiều dự án đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng lên hệ thống điện quốc gia. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư vi phạm pháp luật, hiện vẫn nằm chờ "giải cứu".

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Không chỉ là những sai phạm có tính kỹ thuật, có nhiều dự án sai phạm đã bị xử lý hình sự. Từ ngày 04/11/2023, Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) của Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 6 bị can liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công thương.

Ngày 02/01/2024, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, đối với Hoàng Quốc Vượng (SN 1963, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương). Việc bắt các cán bộ thuộc EVN và Bộ Công thương, trong đó có cả Thứ trưởng bộ này cho thấy các hoạt động thiếu minh bạch về việc mua bán điện và đầu tư năng lượng tái tạo. Đây là vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, phạm vi rộng, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và các DN.

Dự án điện gió Nhơn Hội của Công ty CP năng lượng FICO Bình Định chỉ được vận hành thương mại một nửa

Dự án điện gió Nhơn Hội của Công ty CP năng lượng FICO Bình Định chỉ được vận hành thương mại một nửa

Kết quả điều tra xác định, các bị can có sai phạm trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi; sai phạm trong việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động điện lực và công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án nhà máy điện mặt trời trái quy định của pháp luật, trái quy định trong hợp đồng mua bán điện, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho EVN.

Thiệt hại lớn hơn nữa, khi hàng chục ngàn tỷ đồng được các DN đổ vào đầu tư cho điện tái tạo đang bị lãng phí, sau một thời gian khuyến khích đầu tư. Chính sách về giá cho năng lượng tái tạo không nhất quán làm cho các nhà đầu tư nản lòng. Hậu quả lớn nhất là lãng phí nguồn năng lượng tái tạo khi các doanh nghiệp (DN) đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi "đắp chiếu".

Theo Bộ Công thương, quy mô các dự án đã đầu tư sơ bộ lên tới 308.409 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD, chiếm tỉ trọng công suất gần 13% và chiếm tỷ trọng sản lượng điện khoảng 6,06% của toàn hệ thống điện. Sai phạm rất lớn khi có 154 dự án điện mặt trời do Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch đã bị thanh tra chỉ ra. Trong đó có 87 dự án với tổng công suất 4.200MW điện gió và 700MW điện mặt trời, lỡ "chuyến đò cuối" giá FIT, phải chấp thuận cơ chế chuyển tiếp với mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án này vẫn chưa có doanh thu. Ngoài ra còn nhiều dự án khác sai phạm về mặt pháp lý, quy trình đầu tư...

Các phương án xử lý

Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Đồng thời, khẳng định không hợp thức hóa những sai phạm nhưng phải giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội. Đây là sự nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua đã lắng nghe các ý kiến của DN, các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm giải quyết, tháo gỡ.

Thủ tướng chỉ đạo, nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự. Việc tháo gỡ khó khăn cũng được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý. Xử lý các vướng mắc phải công khai, minh bạch; nghiêm cấm việc xử lý vướng mắc để tham nhũng, lợi ích nhóm. Không làm phát sinh sai phạm mới, không để tiêu cực và hệ lụy xấu trong quá trình xử lý, không để sai lại chồng sai.

Việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án và giải quyết trước ngày 31/01/2025. Ngoài ra, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết một cách công khai, minh bạch, không vòng vo, đẩy lên cấp trên. Với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định của pháp luật. "Nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải đi xử lý, mất người, mất của, mất thời gian, mất niềm tin, mất cơ hội. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hướng xử lý các vấn đề tồn tại của năng lượng tái tạo sẽ theo nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 vừa công bố tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo diễn ra ngày 12/12, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, gồm: cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng..., thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan. Còn các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang trại, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật. Thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm về đất để làm trang trại thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện. Thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu.

Một số dự án hưởng giá FIT có vi phạm và dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp, cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về mua bán điện khi cấp có thẩm quyền xác định dự án bị thu hồi giá FIT ưu đãi để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Cùng với việc hoàn thành Luật Điện lực (sửa đổi), khơi thông cho sự phát triển của năng lượng tái tạo, việc tháo gỡ các dự án diện tái tạo vi phạm sẽ giải phóng nguồn lực cho năng lượng xanh. Lẽ ra việc này được tiến hành sớm hơn nhưng vì dính tới một số vụ án hình sự, nên có chậm trễ. Việc chậm đưa các dự án vào khai thác sử dụng không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn có thể gây nguy cơ làm cho nhiều DN đổ vỡ về tài chính, mất khả năng thanh toán, dẫn đến phá sản, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực rất quan trọng này.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/giai-cuu-cac-du-an-dien-tai-tao-phai-cong-khai-minh-bach_171519.html