Giải đáp các quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật
Chiều 14/8, diễn ra Tọa đàm trực tuyến phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật.
Sự kiện do Cục Thú y phối hợp với Vụ Pháp chế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Ông Lê Toàn Thắng - Trưởng phòng Thuốc thú y, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giới thiệu Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ban hành ngày 28/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 và Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguyên do của việc sửa đổi là do Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy; và Thủ tướng ban hành Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc thú y.
Theo ông Lê Toàn Thắng, Thông tư số 13 có một số nội dung mới, đáng chú ý. Trong đó, Thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong quá trình vận chuyển phải được đóng gói và ghi nhãn sản phẩm đầy đủ theo quy định của pháp luật, trong đó ghi rõ tên chất, nồng độ, hàm lượng, khối lượng, nguồn gốc, xuất xứ.
Giấy phép xuất khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được cấp cho từng lần xuất khẩu và có giá trị trong thời hạn ghi trên giấy phép nhưng không quá 12 tháng. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc xuất khẩu chưa thực hiện được thì doanh nghiệp đề nghị Cục Thú y gia hạn và không giới hạn số lần gia hạn.
Đồng thời, Cục Thú y là cơ quan thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Thông tư mới cũng bổ sung thêm 1 loại thuốc không phải kê đơn được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đó là thuốc thú y có chứa hoạt chất thuộc nhóm thuốc phòng trị nội, ngoại ký sinh trùng. Ngoài ra, thuốc thú y có chứa hoạt chất Toltrazuril, Amprolium, Clopidol không phải kê đơn theo quy định mới.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Tùng - Phó trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y, cũng đã chia sẻ một số nội dung mới về chỉ tiêu kiểm dịch trong Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Theo đó, Thông tư số 06 cũng đưa ra một số nội dung mới về chỉ tiêu kiểm dịch. Theo đó, áp dụng tần suất lấy mẫu đối với các lô hàng phải kiểm dịch, nếu kết quả xét nghiệm 3 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu, thì 5 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên 1 lô hàng để kiểm tra. Gộp 5 mẫu thành 01 mẫu xét nghiệm (giảm chi phí xét nghiệm 80%); bổ sung bệnh Trắng đuôi trên tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii).
Chỉ tiêu quy định xét nghiệm đối với sản phẩm thủy sản dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh là các chỉ tiêu tác nhân gây bệnh trên động vật thủy sản, được lựa chọn trên cơ sở Danh mục bệnh động vật thủy sản của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).
Cùng với 2 Thông tư nêu trên, tại Tọa đàm các đại biểu cũng đã giới thiệu các điểm mới tại Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong; Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) - cho biết, buổi tọa đàm là phổ biến, truyền thông sâu rộng và giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y, các quy định của pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y.
Từ đó, bảo đảm khống chế thành công các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm tại Việt Nam, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật lưu thông trong nước, thúc đẩy giao lưu thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm động vật đi các nước trên thế giới như trứng, thịt, sữa, mật ong, tổ yến, thủy, hải sản,... góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản, thú y Việt Nam.
Tại Tọa đàm, các đại biểu, đơn vị đã phổ biến những quy định cũng như giải đáp cơ bản những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hiệp hội ngành hàng và người dân về các quy định của pháp luật mới trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật.
Ông Nguyễn Văn Nam - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - chia sẻ, Tọa đàm lần này là điểm khởi đầu cho chương trình hoạt động mới mà Bộ NN-PTNT sẽ triển khai trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan “không chỉ đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống mà phải đưa cuộc sống, thực tiễn vào chính sách pháp luật”.
Theo ông Nam, trước khi các Thông tư, Nghị định ra đời, Cục Thú y đã triển khai rất bài bản từng bước, lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. Từ đó, thống nhất cách hiểu, cách làm, phát hiện các bất cập để điều chỉnh cho phù hợp. “Những nội dung mới trong các thông tư, nghị định có thể khẳng định là vừa mới vừa tốt hơn trước. Điều này thể hiện rõ ở việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân trong việc giảm chi phí, thời gian”.
Bên cạnh đó, giúp cho công tác kiểm tra chuyên ngành đổi mới về hình thức thời gian theo hướng hiệu quả hơn. Ông Nam cũng bày tỏ mong muốn, chúng ta đã cắt giảm được thủ tục hành chính rồi thì có cắt giảm được nữa không, những quy định đó có đi vào cuộc sống không.
Do đó, tọa đàm không chỉ là giải đáp, thống nhất quan điểm để triển khai thực hiện, mà cùng nhau lắng nghe ý kiến từ các cơ quan, doanh nghiệp để nhận định đúng hơn các bất cập trong các văn bản để điều chỉnh trong thời gian tới.