Giải đáp quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Hiệp định này đã mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Dưới đây là một số giải đáp về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

1. Có những cách nào để xác định hàng hóa có xuất xứ từ Hiệp định RCEP?

Trả lời:

- Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên.

- Hàng hóa được sản xuất tại một nước thành viên chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên trong khối RCEP.

- Hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng Danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 05/2022/TT-BCT.

2. Nguyên tắc cộng gộp được áp dụng như thế nào trong Hiệp định RCEP?

Trả lời:

Nguyên tắc cộng gộp trong Hiệp định RCEP được quy định tại Điều 7 Thông tư 05/2022/TT-BCT, cho phép các nước trong khối RCEP coi nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên khác là nguyên liệu có xuất xứ khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra hàng hóa. 100% trị giá của nguyên liệu có xuất xứ này được tính đến khi xét xuất xứ RCEP của hàng hóa xuất khẩu.

Ví dụ: Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, Úc, Nhật Bản... (có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa RCEP nhập khẩu kèm theo), các nguyên liệu này được coi là có xuất xứ và được cộng gộp khi xét xuất xứ RCEP đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để cấp C/O mẫu RCEP.

3. Công đoạn gia công, chế biến đơn giản được xét đến trong trường hợp nào?

Trả lời:

Công đoạn gia công chế biến đơn giản chỉ được xét đến đối với các mặt hàng sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ.

Công đoạn gia công chế biến đơn giản không được xét đến trong trường hợp xác định hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ trong khối RCEP, trừ trường hợp cần xác định nước xuất xứ RCEP khi có khác biệt thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 05/2022/TT-BCT.

4. Có bao nhiêu công thức tính hàm lượng giá trị khu vực được sử dụng trong Hiệp định RCEP?

Trả lời:

Doanh nghiệp được quyền lựa chọn một trong hai công thức tính hàm lượng giá trị khu vực trực tiếp hoặc gián tiếp. Công thức tính hàm lượng giá trị khu vực trong RCEP được quy định tại Điều 8 Thông tư 05/2022/TT-BCT.

(Còn nữa)

VÕ PHÊ (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319231/giai-dap-quy-tac-xuat-xu-hang-hoa-cua-hiep-dinh-doi-tac-kinh-te-toan-dien-khu-vuc.html