Giải đáp về Luật Thủ đô 2024 liên quan đến người lao động

Sáng 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Quốc Oai tổ chức chương trình Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách với chủ đề 'Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động'.

Quang cảnh buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách với chủ đề "Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động". Ảnh: N.M

Quang cảnh buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách với chủ đề "Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động". Ảnh: N.M

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia: bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia BHXH Khu vực I; Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội.

Đặc biệt, tham dự buổi đối thoại, giao lưu còn có hơn 300 cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tại buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến và truyền thông chính sách do Báo Lao Động Thủ đô phối hợp cùng LĐLĐ huyện Quốc Oai tổ chức là cơ hội quý giá để tất cả chúng ta cập nhật những quy định pháp luật mới nhất, đồng thời cùng nhau trao đổi, chia sẻ những vấn đề thực tiễn nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng đời sống lao động.

Luật Thủ đô 2024 được ban hành với nhiều điểm mới quan trọng, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho sự phát triển của Hà Nội nói chung và từng người lao động nói riêng. Các quy định mới không chỉ tập trung vào việc quản lý đô thị, quy hoạch và phát triển kinh tế, mà còn mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Những điều chỉnh này góp phần nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả công nhân, viên chức và người lao động.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc. Ảnh: N.M.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc. Ảnh: N.M.

Các chính sách mới liên quan đến người lao động trong năm 2024 cũng có nhiều điểm đổi mới đáng chú ý, trong đó, việc điều chỉnh cơ chế tiền lương, BHXH và hỗ trợ việc làm được đặt lên hàng đầu nhằm tạo động lực làm việc, tăng cường sự ổn định và an toàn trong công việc. Những cải cách này không chỉ giúp người lao động có thu nhập tốt hơn mà còn tạo cơ hội để nâng cao kỹ năng, phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Đặc biệt, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cũng có tác động sâu rộng đến môi trường làm việc. Những thay đổi về cơ cấu nhân sự, cải cách thủ tục hành chính và tối ưu hóa mô hình hoạt động của các đơn vị không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp mỗi người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn, được bảo vệ quyền lợi chính đáng và có cơ hội phát triển lâu dài.

Tại buổi đối thoại, chuyên gia Dương Thị Minh Châu thông tin về việc người lao động nghỉ không lương thì doanh nghiệp không phải đóng BHXH và thời điểm nghỉ không lương thì doanh nghiệp có thể báo giảm lao động trong thời gian nghỉ không lương.

Đồng thời, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cũng chia sẻ về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm hoặc trên 20 năm mà chỉ được hưởng 12 tháng là quy định của pháp luật. Bởi lẽ, Luật Việc làm quy định rõ, trợ cấp thất nghiệp là khoản hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm, thời gian hưởng tối đa là 12 tháng. Đây là chính sách hỗ trợ và Chính phủ quy định như vậy là mong muốn người dân không lệ thuộc vào việc hưởng trợ cấp thất nghiệp mà sẽ sớm trở lại thị trường lao động. Còn về cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thì không có, mà sau khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp một lần thì thời gian tính đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tính lại từ đầu.

Các chuyên gia tại buổi đối thoại. Ảnh: N.M.

Các chuyên gia tại buổi đối thoại. Ảnh: N.M.

Cùng trả lời câu hỏi về việc công ty có được giữ lương của người lao động gối đầu 1,2 tháng hoặc bằng cấp không?, luật sư Nguyễn Văn Hà cho rằng, Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ, nghiêm cấm giữ văn bằng chứng chỉ, tài liệu liên quan đến giấy tờ tùy thân của người lao động. Hay liên quan đến chế độ tiền lương của người lao động, nếu như không rơi vào những trường hợp khác, về nguyên tắc, người sử dụng lao động không được khấu trừ, giữ lương nếu người lao động không có vi phạm hoặc không có hành vi gây thiệt hại tài sản cho doanh nghiệp.

Chia sẻ về các điểm mới trong Luật Thủ đô 2024, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương thông tin, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 có rất nhiều điểm mới, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trong đó, nổi bật là hưởng quyền lợi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức…

Theo khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, tổ chức dưới đây thì được hưởng thu nhập tăng thêm theo năng lực, hiệu quả công việc: cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên do TP quản lý. Trong đó, quy định mức chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP.

Ngoài ra, người lao động còn được hưởng nhiều chế độ, chính sách liên quan đến an sinh xã hội. Luật Thủ đô 2024 cũng có những quy định bố trí ngân sách giảm nghèo; hỗ trợ chuyển đồi nghề; hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện 100% cho hộ nghèo, tối thiểu 60% cho hộ cận nghèo, 20% so với các đối tượng khác; các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách về y tế, giáo dục…

TP cũng bố trí những ngân sách phù hợp để thực hiện những việc như trên. Theo đó, người lao động cũng sẽ được thụ hưởng an sinh xã hội, thụ hưởng kết quả phát triển hạ tầng giao thông…

Sau gần 3 giờ diễn ra chương trình, đã có hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, CNVCLĐ gửi tới các chuyên gia, tập trung về những vấn đề liên quan thiết thân đến người lao động. Những câu hỏi, thắc mắc đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ, hiểu đúng, kịp thời về Luật Thủ đô 2024 và những quy định của pháp luật liên quan đến lao động, giúp người lao động tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giai-dap-ve-luat-thu-do-2024-lien-quan-den-nguoi-lao-dong-416697.html