Giải Diên Hồng: Nhiều ấn tượng đẹp, mang đậm hơi thở cuộc sống

Tối nay 9.6, Lễ Trao giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ I - năm 2023 sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô (TP Hà Nội). Trước thềm Lễ Trao giải, Nhà báo ĐỖ DOÃN HOÀNG (Báo Dân Việt), thành viên Ban Giám khảo đã có những chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân về ấn tượng với Giải Diên Hồng lần này.

Chuyên nghiệp, chất lượng

- Đây là lần đầu tiên Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên Hồng) được tổ chức, ông đánh giá như thế nào về Giải Diên Hồng?

- Đây là lần đầu tiên Giải báo chí về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân được tổ chức. Tôi rất vinh dự khi được mời làm thành viên Ban Giám khảo. Tiểu ban của chúng tôi do Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân Đinh Như Hoan làm Trưởng Tiểu ban và chúng tôi chấm giải tại trụ sở Báo Nhân Dân.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, thành viên Ban Giám khảo Giải Diên Hồng

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, thành viên Ban Giám khảo Giải Diên Hồng

Có thể thấy, Hội đồng Giám Khảo lần này gồm rất nhiều nhà báo có uy tín, là những “cây đa, cây đề” trong làng báo. Thành viên của Ban Giám khảo là những Nhà báo đã từng tham gia chấm nhiều giải báo chí. Trong đó, có các tiến sỹ, các tổng biên tập, họ đều là những người mà tôi rất là kính trọng.

Về công tác tổ chức, tôi thấy rằng, đây là một giải báo chí lớn, được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Từ khi được mời tham gia chấm giải, chúng tôi liên tục nhận được các thông báo và các hoạt động trong nhóm. Để thuận lợi cho công tác trao đổi về chuyên môn, chấm giải, những giám khảo được mời đã ứng dụng công nghệ thông tin lập các nhóm trên mạng xã hội để thông tin kịp thời, đồng bộ tới tất cả các giám khảo một cách nhanh chóng, bài bản.

Trong một thời gian không dài kể từ khi có thông tin về giải Diên Hồng lần thứ nhất, chúng tôi đã được mời đến các cơ quan của Quốc hội để dự họp cùng các đại diện của các cơ quan thuộc Quốc hội cùng những người rất là có vai trò quan trọng trong Hội Nhà báo như: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi… và rất đông các thành viên Ban Giám khảo.

Ban Tổ chức đã thực hiện các quy trình rất chuyên nghiệp và trang trọng. Đặc biệt, quá trình chấm giải chúng tôi cũng quán triệt chấm giải bảo đảm khách quan, minh bạch, đồng thời tôn vinh được những giá trị mới, động viên được các cây viết trẻ cũng như là các tác phẩm từ các địa phương.

Tôi cho rằng, việc chia Ban Giám khảo thành các Tiểu ban cũng như đưa ra các quy chế cụ thể với mỗi một Tiểu ban như sẽ mang lại sự tích cực, hiệu quả, bảo đảm tính công minh, tiến bộ…

Công tác tổ chức, cách thức gửi bài dự thi được thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Giám khảo đọc và chấm. Các bài dự thi cũng có chỉ dẫn rõ ràng, để giới thiệu, chứng minh rằng tác phẩm ấy đã được đăng, trình bày ở báo giấy, báo điện tử như thế nào.

Tôi cũng rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp trong các khai thác đề tài cũng như trình bày bài viết của Báo Đại biểu Nhân Dân. Bên cạnh đó, một số báo cũng thực hiện các bài viết về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân khá chuyên nghiệp như: Báo Kinh tế đô thị, Báo Tiền Phong và Báo Dân Việt, Báo Nông thôn Ngày nay…

- Ông có thể chia sẻ thêm về tiêu chí chấm Giải Diên Hồng có gì khác, mới so với các báo chí khác hay không?

- Nói về tiêu chí chấm giải lần này khác gì so với các giải báo chí khác tôi đã từng chấm, thì tất nhiên, đối với giải báo chí viết về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sẽ có một số điểm khác biệt. Cụ thể như, với Giải Báo chí quốc gia, các giải báo chí liên quan đến môi trường hay giải báo chí toàn quốc về về chống tham nhũng, tiêu cực… thì Giải Diên Hồng lần này chủ yếu là các bài viết về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Chính vì thế, ngay cả khi tôi với tư cách là một giám khảo chuyên sâu về báo chí, về mảng phóng sự, phóng sự, điều tra báo chí, điều tra thì việc chấm giải, lựa chọn các tác phẩm để trao giải cũng rất khó…

Ngoài ra, trong quá trình chấm giải, chúng tôi bình xét, nhận xét về giá trị chung của toàn bộ các tác phẩm trong Tiểu ban và Tiểu ban của tôi là gần 400 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm dài kỳ. Theo tôi, đây là những tác phẩm có tính cô đọng, tương đương với vài nghìn bài viết ở tư cách nhỏ lẻ, cộng lại để cấu thành một serie bài…

Trước khối lượng lớn các tác phẩm, chúng tôi có những hoạt động nhận xét chung về toàn bộ các tác phẩm, tiếp đó Tiểu ban sẽ nhận xét, bình xét cho điểm bình chọn, chọn lựa những tác phẩm hay đã chọn.

Khi chấm Giải, chúng tôi xét cả về nội dung thể hiện, cách giải quyết vấn đề cũng như là câu chữ và cách trình bày. Chúng tôi thậm chí còn có các tranh luận về việc lựa chọn từng tác phẩm, đối với những bài dài kỳ thì chọn những bài nào, theo tiêu chí nào... theo quy định của giải. So với Giải Báo chí quốc gia, Giải Diên Hồng có những tiêu chí riêng. Chúng tôi phải phân tích rất rõ từng câu chữ trong quy chế của Ban Tổ chức để có phương án cho điểm, lựa chọn tác phẩm một cách minh bạch nhất, công tâm nhất…

- Một yếu tố quan trọng đặc biệt để làm nên giá trị, uy tín của giải chính là sự khách quan, công tâm, minh bạch trong công tác chấm giải. Là một trong những giám khảo, ông nhận định gì về tính công tâm trong công tác chấm giải cũng như chất lượng của các tác phẩm dự thi Giải Diên Hồng?

- Như đã nói ở trên, việc bảo đảm tính minh bạch, tính công tâm là vô cùng cần thiết ở mỗi giải thi báo chí. Để bảo đảm tính công tâm trong Giải Diên Hồng, chúng tôi có những tiêu chí đánh giá cụ thể.

Tôi nhận thấy, các tác phẩm gửi tham dự Giải Diên Hồng là những tác phẩm chất lượng, có đầu tư, có chiều sâu, khai thác tốt đề tài, cũng như linh hoạt, đa dạng trong cách thể hiện, trình bày. Nhiều tờ báo lớn ở Trung ương có các bài mang tính phân tích, định hướng liên quan đến hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở thể loại mà chúng tôi chấm, nếu các tác giả có thể khai thác triệt để hơn thân phận các nhân vật, phản ánh lắng đọng, sâu hơn các câu chuyện có tính khơi gợi, mang tính đúc kết thì sẽ làm nổi bật hơn nữa các hoạt động của chủ đề này.

Ví dụ chúng ta rất nhiều báo thì tham gia với những tác phẩm rất là đơn giản. Ví dụ cảnh sát giao thông địa phương đã làm việc tốt để điều hành giao thông trong những ngày bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp hay là hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội…

Tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm gửi dự thi chưa được đầu tư sâu, mới chỉ phản ánh hoạt động của các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân trên địa bàn của một huyện, thậm chí một xã thì những tác phẩm đó mới chỉ dừng ở mức phản ánh thông thường và mang tính thời sự.

Nhiều ấn tượng đẹp

- Ông có ấn tượng gì về các tác phẩm dự thi cũng như Giải Diên Hồng lần này?

- Có thể thấy, các tác phẩm dự thi hầu hết là phản ánh về các hoạt động của của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp cũng như viết về các tấm gương điển hình trong lĩnh vực này. Vì thế, hầu như không có yếu tố về điều tra, bài có tính chất ghi chép cũng có nhưng chưa đậm sắc… Điều tôi đề cập ở đây là đặc trưng của thể loại, không phải là điểm hơn hay điểm kém.

Dựa trên sự đặc trưng của thể loại này, tôi thấy rằng, các tác giả không những đã phản ánh tốt các hoạt động của Hội đồng Nhân dân và đại biểu Quốc hội và Quốc hội ví dụ như các kỳ bầu cử, các tấm gương về những đại biểu Quốc hội xử lý các vấn đề cho dân hay tiếng nói trong nghị trường, phản ánh hoạt động của Quốc hội trong từng kỳ họp, hay như việc tham vấn, phát biểu đóng góp về các chính sách, luật, điều luật, những vấn đề nóng về mọi mặt của xã hội trong Quốc hội mà các tác phẩn dự thi cũng phản ánh tốt ở những vấn đề nóng về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, các quy định của các Bộ, ngành...

- Hiện nay, có một số báo chạy đua với mạng xã hội, nhiều bài viết trên báo chí có tình trạng sao chép nội dung, khai thác theo một chiều, ông có nhận thấy hiện tượng đó tại Giải Diên Hồng không?

- Trong quá trình chấm giải, tôi đã gặp những tác phẩm ca ngợi những tấm gương điển hình tiên tiến như một cán bộ cấp xã, là đại biểu Hội đồng Nhân dân xã trăn trở làm kinh tế, giúp bà con phát triển du lịch, trồng các cây nông sản để thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Đó là những nhân vật mà tôi nghĩ rằng cần đẩy mạnh lan tỏa, nhân rộng những tấm gương như vậy.

Chúng tôi ấn tượng và đánh giá cao những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, có nội dung sâu, lột tả được rõ đặc trưng nhân vật… Tất nhiên, không phải bài nào được đánh giá cao về cách viết cũng là được giải cao. Bởi vì, ngoài việc chúng tôi nhận xét về cách viết, chúng tôi còn đánh giá về tính hiệu ứng, tính lan tỏa, về nghệ thuật viết hay phương thức khai thác nhân vật. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc xúc cảm nhân vật đó đã được nhà báo xây dựng, thể hiện, đúc kết làm sao cho có ý nghĩa xã hội…

Nhân vật được lựa chọn phải có tính điển hình cao. Việc khai thác nhân vật phải sâu, kỹ và nhà báo khi viết phải có trăn trở và nghệ thuật thể hiện phải cho bạn đọc góc nhìn đa chiều, tránh khai thác kiểu một chiều…

Dù tờ báo ở cấp Trung ương hay địa phương thì khi thực hiện bài viết, tác giả cũng cần tôn trọng cảm xúc bạn đọc. Từ đó, tác giả cần thể hiện bài viết sao cho khi đọc người ta có cảm xúc và thấy tôn trọng nhân vật cũng như muốn lan tỏa hình ảnh đó hoặc muốn noi gương nhân vật thể hiện trong tác phẩm hoặc người đọc muốn tri ân các nhân đó... Đấy là một mục đích cao đẹp của báo chí cần hướng tới trong các tác phẩm báo chí từ Trung ương và địa phương.

Tôi cũng thấy, có những tờ báo viết khá xúc động về bầu cử ở đảo Trường Sa hay các nhân vật ở những vùng gian khó mà với tư cách là đại biểu Hội đồng Nhân dân, với tư cách là những người có uy tín trong cộng đồng đã thật sự nỗ lực với một khát vọng, đưa quê hương tiến lên, đưa cộng đồng tiến lên…

Đó là một trong những ấn tượng đẹp tôi thấy được từ Giải Diên Hồng lần này.

- Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/giai-dien-hong-nhieu-an-tuong-dep-mang-dam-hoi-tho-cuoc-song-i331942/