Giải mã bí ẩn rừng lim cổ thụ được thần trăn bảo vệ

Là niềm tự hào của người dân xã Hậu Thành (Yên Thành, Nghệ An), rừng lim nguyên sinh núi Tháp Lĩnh có cả nghìn cây cổ thụ 2 đến 3 người ôm không xuể.

XEM CLIP:

Huyện đồng bằng Yên Thành được xem là "bờ xôi ruộng mật", vựa lúa lớn nhất Nghệ An nhưng vẫn tồn tại rừng lim nguyên sinh, có tuổi đời hàng trăm năm tại xã Hậu Thành.

Rừng lim Tháp Lĩnh có diện tích gần 20ha, nổi lên giữa những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Trong rừng có hàng nghìn cây lim, đường kính từ 30cm trở lên, được người dân xem như chốn “cấm sơn”, không ai được xâm phạm.

Những bậc cao niên trong làng cũng không biết cánh rừng có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra rừng đã ở đó. Trải qua nhiều thế hệ, khu rừng vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, huyền bí, u tịch.

 Một góc rừng lim nguyên sinh Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành

Một góc rừng lim nguyên sinh Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành

Đường vào rừng và đền Cả được lát bê tông, bên ngoài có hàng rào bảo vệ

Đường vào rừng và đền Cả được lát bê tông, bên ngoài có hàng rào bảo vệ

Men theo đường mòn dẫn lên núi, càng vào sâu lại càng có nhiều cây lim cổ thụ hiện ra. Thân và gốc lim nổi u sần, gồ ghề, bám nhiều rêu mốc, cành cây buông tán rộng cả một vùng.

Là người trông coi bảo vệ rừng Tháp Lĩnh, ông Lại Văn Ngân (SN 1961, trú tại xã Hậu Thành) cho biết, lim ở đây chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm.

Những cây lim đường kính hơn 1m, 2 đến 3 người ôm nhiều vô kể. Ngoài cây lim, rừng còn có nhiều cây gỗ quý như trai, gụ, trắc, hương… Đây cũng là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật như chim, kỳ nhông, chồn, sóc…

“Tôi làm công việc bảo vệ rừng Tháp Lĩnh hàng chục năm nay. Dù người dân địa phương rất có ý thức bảo vệ nhưng ngày nào tôi cũng dạo mấy vòng xem rừng mới yên tâm.

Phải mất hàng trăm năm khu rừng này mới phát triển, cho ra những cây gỗ quý như ngày nay, chúng ta phải bảo vệ cho con, cháu, cho xóm làng”, ông Ngân tâm sự.

Đền Cả nằm nép mình dưới chân núi Tháp Lĩnh

Đền Cả nằm nép mình dưới chân núi Tháp Lĩnh

Lối mòn trong khu rừng lim quý

Lối mòn trong khu rừng lim quý

Đất lành chim đậu

Nằm nép dưới chân núi Tháp Lĩnh là ngôi đền Cả linh thiêng. Đền thờ thần khai khẩn và các vị công thần có công với đất nước.

Ông Mai Công Định (SN 1942, trú xã Hậu Thành) - người trông coi đền Cả kể lại, vào thời nhà Lê, trong một lần đi qua xã Hậu Thành, đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ (quê Thanh Hóa) nhìn thấy núi Tháp Lĩnh phong cảnh hữu tình, là vùng đất lành chim đậu nên đã đưa con cháu đến khai hoang, chiêu dân lập làng.

Ông Mai Huy Định kể về lịch sử đền Cả và rừng lim Tháp Lĩnh

Ông Mai Huy Định kể về lịch sử đền Cả và rừng lim Tháp Lĩnh

“Để tưởng nhớ công ơn của đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ, 5 người dân đã dựng đền Cả dưới chân núi Tháp Lĩnh, gần mộ của ông để hương khói thờ phụng.

Ngày rằm, mồng một, người dân địa phương lại đến thắp hương để tưởng nhớ đến ngài. Vào các dịp lễ, Tết, con cháu hồi hương không quên tới đây gieo quẻ, cầu phúc, cầu an”, ông Định nói thêm.

Qua nhiều thế hệ, đền Cả về sau còn thờ thần trăn và các vị công thần có công với đất nước. Theo quan niệm của người dân, thần trăn rất linh liêng, ngài cai quản, bảo vệ rừng lim Tháp Lĩnh. Nếu có kẻ xấu vào phá hoại, chặt phá cây đều bị thần trừng phạt.

Ông Định cho rằng, câu chuyện về thần trăn chỉ là người dân hư cấu để khuyên răn mọi người không được làm tổn hại rừng. Nhờ đó mà từ trẻ con đến người già ở xã Hậu Thành ai cũng có ý thức bảo vệ rừng.

Chặt 1 cây trồng lại 10 cây

Theo ông Định, trước đây, dân làng Đức Hậu (tên gọi cũ của xã Hậu Thành) từng quy định việc bảo vệ rừng Tháp Lĩnh trong hương ước của làng. Theo đó, nếu ai chặt một cây ở rừng thì sẽ bị phạt nặng, buộc phải trồng lại 10 cây khác.

Khu rừng có thảm thực vật phong phú

Khu rừng có thảm thực vật phong phú

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bom đạn cày xới mảnh đất Hậu Thành, nhưng cứ một cây lim ngã xuống, dân làng lại cùng nhau trồng lại. Nhờ đó, núi Tháp Lĩnh ngày nay vẫn giữ được vẻ tươi tốt.

Chủ tịch UBND xã Hậu Thành Phạm Văn Luyến cho biết, năm 2001, nhân dân trong xã tổ chức thu gom, nhặt những hạt cây lim xanh rụng xuống để ươm bầu, được trên 500 cây con; đồng thời, làm cỏ, cắt tỉa cành trên 200 gốc lim, gụ, trai có tuổi đời lâu năm.

Ngoài ra, để tránh trâu bò cũng như người ngoài vào xâm hại, xã Hậu Thành xây tường rào hàng km chạy vòng quanh núi để bảo vệ, tu bổ 2 con đường chạy dọc sườn núi và lên đỉnh núi cao gần 150m.

Lim ở núi Tháp Lĩnh chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm

Lim ở núi Tháp Lĩnh chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm

Nhiều cây lim cổ thụ có thân to 2 đến 3 người ôm

Nhiều cây lim cổ thụ có thân to 2 đến 3 người ôm

Theo ông Luyến, hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về rừng lim Tháp Lĩnh, cũng như xác định độ tuổi những cây cổ thụ.

Năm 2017, rừng Tháp Lĩnh được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành quản lý về mặt hành chính. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Hậu Thành vẫn trích ngân sách mỗi tháng 2 triệu đồng cho 2 người bảo vệ núi Tháp Lĩnh và đền Cả.

“Đền Cả đã được quy hoạch 0,3ha để tu bổ, xếp hạng di tích nhưng do đền nằm trong đất rừng đặc dụng nên chưa thực hiện được. Đối với người dân xã Hậu Thành, rừng lim Tháp Lĩnh không chỉ là “lá phổi xanh” mà còn là một di sản thiên nhiên quý giá. Tôi mong muốn cấp trên quan tâm hơn nữa, có đề án nghiên cứu, bảo vệ để rừng ngày càng xanh tươi, trù phú”, ông Luyến nói thêm.

Không chỉ ông Luyến, ông Định mà ở Hậu Thành ai cũng có tình yêu và trân quý rừng lim cổ thụ này. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng rừng lim vẫn trường tồn, minh chứng cho sức sống kỳ diệu, gắn kết bền chặt của người dân.

Phạm Tâm - Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/clip-nong/giai-ma-bi-an-rung-lim-co-thu-duoc-than-tran-bao-ve-606894.html