Giải mã bí mật hạnh phúc của người dân Bhutan
Nhiều người gọi Bhutan là 'vương quốc bị bỏ quên' vì ít người lui tới, nhưng nơi đây lại chứa đựng chiếc chìa khóa quan trọng về hạnh phúc của con người.
Bhutan được thế giới mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Điều này làm cả thế giới muốn biết bí mật hạnh phúc của người dân đất nước này là gì. Hai tác giả Barry Petersen và T. Sean Herbert đã có chuyến đi đến Bhutan để khám phá bí mật này, với bài viết được đăng trên trang tin CBS News giữa tháng 4 vừa qua.
Hòa nhập và gìn giữ bản sắc riêng
Nằm giữa hai quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, kinh tế Bhutan chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Theo Hiến pháp của Bhutan, diện tích rừng phủ xanh phải chiếm 60%, nhưng trên thực tế mức độ phủ xanh hiện tại là đến 72%.
“Rời máy bay, hít một hơi thật sâu những làn khí trong lành thuần khiết, bạn sẽ có cảm giác hơi thở của quá khứ ngay trong hiện tại này”, tác giả bài viết chia sẻ.
Khắp nơi trên đất nước Bhutan, bạn sẽ thấy rất nhiều hình ảnh những vị tu sĩ và lá cờ Phật giáo. Theo quy định của hoàng gia, kể cả những tòa nhà mới được kiến tạo cũng phải được trang trí với điêu khắc truyền thống và các tạo vật linh thiêng của quốc gia.
Tại đây, số lượng khách sạn có trang bị thang máy không nhiều nhưng công nghệ đã “xâm nhập” vào nơi này hiệu quả và mạnh mẽ hơn bất kỳ “kẻ xâm lấn” nào khác. Điện thoại di động có mặt nơi nơi. “Tôi dùng điện thoại mỗi ngày để sắp xếp các cuộc hẹn, kiểm tra email và hoàn thành các bài báo khi thời gian gấp rút”, Tshering Choeki - một nhà báo tự do cho biết.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với một người anh em của đương kim quốc vương, hoàng tử Dasho Jigyel - người từng học tập tại Trường Đại học Oxford (Anh quốc) và tại Hoa Kỳ về những thay đổi tác động đến văn hóa và các mặt khác của đời sống ở Bhutan, ngài cho biết: “Giống như hai thái cực cùng tồn tại, với sự toàn cầu hóa, chúng tôi mở cửa hội nhập vì chúng tôi không thể bơi ngược con sóng. Quay lại những năm tháng trước đây, chúng tôi còn không có cả giày và vớ nhưng hiện tại thật sự là một cuộc cách mạng”.
Cuộc cách mạng này diễn ra nhiều thế kỷ nhưng với đất nước Bhutan, không có gì là vội vã. Ở đây, không có đèn giao thông, không có McDonalds, Burger Kings hay Starbucks gì cả.
Karen Beardsley, Giáo sư Fulbright dạy tại Đại học Hoàng gia Thimphu cho rằng: Bhutan “từ chối” việc đánh mất “nhân dạng” của quốc gia mình. Đó là lý do họ không chào đón các thương hiệu toàn cầu của Hoa Kỳ. “Tôi cho rằng, giữ gìn đặc trưng văn hóa của mình là điều rất quan trọng và người Bhutan nhất tâm với điều này, rằng sự nhan nhản các cửa hiệu nói trên có thể làm bạn cảm giác như bạn đang ở Hoa Kỳ”; và tất nhiên người Bhutan cũng không mong muốn điều này.
Nơi chứa đựng chiếc chìa khóa của cuộc sống hạnh phúc
Khi được hỏi về sự khác biệt trong sinh hoạt và dạy học giữa Hoa Kỳ và Bhutan, Beardsley chia sẻ: Không như sự vội vã và bám chặt vào thời gian, cuộc sống nơi này rất thư thái và bình yên. Con người ở đây cũng thật tuyệt vời.
Hiện tại, Bhutan giới hạn số lượng du khách quốc tế đến quốc gia mình. Năm ngoái chỉ có 57.000 du khách đến đây, con số này chỉ nhỉnh hơn số người đến Disney World trong một ngày.
Vào những năm 70 của thế kỷ XX, nhà nước Bhutan đã bắt đầu thay thế chỉ số tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bằng chỉ số “tổng hạnh phúc quốc gia” (gross national happiness).
“Tại Hoa Kỳ, người ta phải áp lực mua nhà đẹp, sắm xe sang, còn ở Bhutan, người ta hài lòng và hạnh phúc với những gì họ có. Họ ít chú trọng đến khía cạnh vật chất nhưng lại tận hưởng cuộc sống và thiên nhiên xung quanh nhiều hơn”, chia sẻ của hai du khách Hoa Kỳ (có tên là Brendan Madden and Tatiana Gregorek) đang du lịch tại Bhutan khi Petersen hỏi họ học được gì từ chỉ số “tổng hạnh phúc quốc gia” của Bhutan.
Để thúc đẩy chỉ số “tổng hạnh phúc quốc gia”, hoàng tử Dasho khẳng định: “Là em trai của quốc vương, tôi luôn cố gắng đại diện cho con người và đất nước mình bằng hết khả năng của mình. Và với cương vị Chủ tịch Ủy ban Olympic, tôi phải đảm bảo rằng nhiều thanh niên của Bhutan nhận được lợi ích tích cực từ các môn thể thao được tổ chức”.
“Vậy xin hỏi, điều gì làm hoàng tử thấy hạnh phúc?” - “À, hạnh phúc là một khái niệm tương đối nhưng với tôi, có được những nguồn năng lượng tích cực xung quanh tôi và cảm thấy hài lòng với bản thân mình là hạnh phúc”.
Karma Tshiteem, người có sứ mệnh đảm bảo chỉ số hạnh phúc quốc gia khi được hỏi: “Ông thấy dành thời gian cho gia đình, cho hạnh phúc của mình quan trọng như thế nào?”, đã trả lời: “Rất quan trọng và đây là những điều ưu tiên hàng đầu. Có những điều quan trọng giúp mang lại hạnh phúc cho mỗi người và chúng ta cần đầu tư nhiều thời gian vào đó hơn là tiền bạc”.
“Vậy ông nghĩ giá trị quan trọng nhất của hạnh phúc là gì?” - “Đó là yêu thương, lòng từ bi và sự quan tâm dành cho người khác”.
Và một điều đáng ghi nhận là mỗi trường học ở Bhutan mỗi ngày đều dành ra 2 phút để thực hành thiền định.
Và bạn sẽ thấy những bảng chữ thế này tại khắp các con đường, các ngọn đồi ở Bhutan: Chúng ta hãy sống xanh và giữ cho địa cầu sạch đẹp. Tự nhiên là tấm gương phản ánh nội tâm bên trong của bạn. Ngay cả các graffiti cũng thể hiện tính đạo đức trong đó, như Con người cần nhiều thứ để đáp ứng nhu cầu của mình, chứ không phải để thỏa mãn lòng tham…
Và ở đây, con người thật sự hạnh phúc và “hạnh phúc một cách nghiêm túc”.
Với một vị Lama, hạnh phúc là sống ở một quốc gia hòa bình. Với một phụ nữ Bhutan, hạnh phúc là được sống ở một nơi mà tự nhiên và núi non được bảo vệ.
Theo Sonam Tshering, nền văn hóa của Bhutan vẫn còn nguyên vẹn. Nền văn hóa đó biểu hiện qua cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Và, “chúng tôi là văn hóa”.
Có lẽ, đây chính là bài học từ quốc gia Phật giáo nhỏ bé và hiền hòa này. Ở đó, hạnh phúc không phải là sống vội vội vàng vàng, không phải là thoải mái đến các trung tâm thương mại, không phải là tậu sắm chiếc xe hơi mới. Hạnh phúc chính là hài lòng với những gì cuộc sống mỗi ngày dâng tặng cho ta, mỗi ngày.