Giải mã bí mật văn hóa Trung Quốc cổ đại cách đây hơn 3000 năm

Truyền thông Trung Quốc ngày 13/6 đưa tin rằng nhiều đồ tạo tác bằng vàng, đồng và ngọc bích - đã được tìm thấy trong sáu hố sâu tại khu Di chỉ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong cuộc khảo cổ gần đây.

Phát hiện mang tính đột phá

Trang SCMP dẫn tin, các nhà khảo cổ Trung Quốc hôm 13/6 đã phát hiện hàng nghìn đồ tạo tác bí ẩn ở phía tây nam Trung Quốc. Cuộc khảo cổ lần này có thể giúp làm sáng tỏ hơn về nền văn hóa Trung Quốc cổ đại cách đây hơn 3000 năm và chưa từng được đưa vào sử sách chính thức của Trung Quốc.

Bàn thờ bằng đồng được phát hiện trong cuộc khai quật ở khu Di chỉ Tam Tinh Đôi. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bàn thờ bằng đồng được phát hiện trong cuộc khai quật ở khu Di chỉ Tam Tinh Đôi. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong cuộc khai quật, hàng loạt đồ tạo tác được phát hiện trong 6 hố sâu tại khu Di chỉ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, trong đó tìm thấy một chiếc hộp bằng đồng chứa đồ bằng ngọc xanh. Theo Tân Hoa Xã, chiếc hộp tìm thấy có 4 tay cầm hình đầu rồng nhưng vẫn chưa lý giải hết được ý nghĩa của chiếc hộp này.

Ông Li Haichao, Giáo sư Đại học Tứ xuyên, người phụ trách nhóm khai quật khẳng định phát hiện này mang tính đột phá.

"Chúng tôi chưa từng thấy những đồ vật này trong quá khứ. Đây được xem là phát hiện chưa từng có tiền lệ", Tân Hoa Xã dẫn lời Giáo sư Li Haichao cho biết.

"Mặc dù chúng tôi chưa biết những đồ tạo tác này đã được sử dụng cho mục đích gì trong quá khứ nhưng có thể khẳng định người cổ đại đã rất trân trọng chúng", Giáo sư Li nhấn mạnh.

Ngày 13/6, Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Tứ Xuyên thông báo phát hiện 13.000 món đồ tạo tác trong 6 hố hiến tế tại khu di chỉ Tam Tinh Đôi, trong đó 1/4 đồ tạo tác đã hoàn thiện. Khu Di chỉ Tam Tinh Đôi được xem là một trong những nơi khám phá khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Khu di chỉ được phát hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 1920 khi một người nông dân đào rãnh và tình cờ phát hiện thấy hơn 400 đồ tạo tác bằng ngọc bích.

Tam Tinh Đôi nằm ở trung tâm Vương quốc Thục cổ có niên đại khoảng 4.500 năm trước. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy tài liệu lịch sử về vương quốc này.

Trước đó, vào những năm 1980, các nhà khảo cổ đã đánh dấu bước đột phá khi phát hiện ra hai hố hiến tế chứa hơn 1700 đồ tạo tác. Tuy nhiên, cuộc khai quật phải tạm dừng cho đến năm 2019. Cuộc khai quật sáu hố hiến tế khác được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022.

Giao lưu văn hóa cổ đại

Nổi bật hơn, gần đây nhóm khảo cổ cũng phát hiện thêm một bàn thờ cúng tế bằng đồng, một tác phẩm điêu khắc bằng đồng với tạo tác đầu người mình rắn và một tượng đồng hình rồng mũi heo.

Trong thời gian dài, Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên, Đại học Bắc Kinh, Đại học Tứ Xuyên và các cơ quan nghiên cứu khác đã phối hợp thực hiện các cuộc khai quật ở các hố hiến tế tại khu Di chỉ Tam Tinh Đôi.

"Các phát hiện mới lần này chủ yếu là ở các hố số 7 và 8. Thông qua các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ có thể giải quyết cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ sau khi phát hiện những hỗ hiến tế có niên đại hơn 3000 năm trước", Tân Hoa Xã cho biết.

Ông Zhao Hao, Phó Giáo sư Đại học Bắc Kinh và là người đứng đầu nhóm khai quật Hố hiến tế số 8 cho rằng quá trình khảo cổ đã phát hiện thêm tính đa dạng và phong phú của văn hóa Trung Quốc.

"Các tác phẩm điêu khắc rất phức tạp và giàu trí tưởng tượng. Nó phản ánh một thế giới huyền bí do con người tưởng tượng ra vào thời điểm họ làm việc và sinh sống", ông Zhao Hao nhấn mạnh.

Trong cuộc khai quật, các nhà khảo cổ cũng đã tìm ra lời giải đối với vấn đề đã tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ, cụ thể là xác nhận hố hiến tế có niên đại cách đây hơn 3000 năm.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những gì còn lại của bò và heo rừng trong các hố hiến tế, chứng tỏ động vật từng được dùng cúng tế.

"Sự đa dạng của các vật phẩm tìm thấy tại khu di tích cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa các nền văn minh cổ đại Trung Quốc", ông Ran Honglin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di chỉ Văn hóa và Khảo cổ Tam Tinh Đôi nói trên Tân Hoa Xã.

Theo ông Ran Honglin, một trong những tác phẩm điêu khắc khắc họa hình đầu người mình rắn là đặc trưng của nền văn minh Vương quốc Thục cổ đại. "Các phát hiện mới trong cuộc khai quật ở khu Di chỉ Tam Tinh Đôi cũng cho thấy bằng chứng về sự giao lưu và hội nhập sớm của văn hóa Trung Quốc", ông Ran nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/giai-ma-bi-mat-van-hoa-trung-quoc-co-dai-cach-day-hon-3000-nam-20220614162720953.htm