'Giải mã' câu chuyện đằng sau những quốc kỳ
Hình ảnh lá cờ của mỗi quốc gia đều mang trong mình lịch sử và ý nghĩa riêng của quốc gia, dân tộc đó. Đã có không ít những cuốn sách được xuất bản nhằm giúp bạn đọc 'giải mã' câu chuyện đằng sau những quốc kỳ.
Ngày nay, khi sự hội nhập, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng thì việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, phong tục các quốc gia cũng ngày càng được quan tâm. Câu chuyện về những lá cờ bắt nguồn từ thời tiền sử, đầu tiên là dấu hiệu đại diện cho một thị tộc, một bộ lạc, rồi một đội quân, một vương quốc, sau đó dần trở thành biểu trưng của các dân tộc, các quốc gia hiện đại. Bởi thế, mỗi lá cờ ẩn chứa một câu chuyện dài về quá khứ qua lịch sử, địa lý, văn hóa, truyền thuyết, tín ngưỡng. Mỗi màu sắc, hình ảnh, biểu tượng trên lá cờ thiêng liêng đều mang những ý nghĩa riêng.
“Khám phá quốc kì trên thế giới” của NXB Kim Đồng, là cuốn sách kể nhiều câu chuyện hấp dẫn xung quanh quốc kỳ, từ nguồn gốc của lá cờ, ngôn ngữ của những lá cờ cho đến những lá cờ của các thành phố, trường đại học, doanh nghiệp, câu lạc bộ bóng đá hay bóng bầu dục. Theo hai tác giả người Pháp Emmanuelle Kecir-Lepetit và Claire Wortemann, “cờ là một biểu trưng nhưng đồng thời cũng là một thực thể”, do đó sản xuất cờ (cờ chữ nhật, cờ tam giác, cờ đuôi én...) hay cách treo cờ đều có những quy tắc chung.
Dù có đường nét, màu sắc giản đơn hay mang nhiều chi tiết, hoa văn thì mỗi lá cờ đều chứa đựng một phần lịch sử của các quốc gia. Cuốn sách “Khám phá quốc kì trên thế giới” giải thích khá kỹ lưỡng về ý nghĩa của mỗi chi tiết trên quốc kỳ các nước, từ màu sắc, những nét vạch, đến hình ảnh biểu tượng. Chẳng hạn, cuốn sách cho biết quốc kỳ Australia có hình quốc kỳ Anh ở góc trái để ghi ơn nhà thám hiểm James Cook đã phát hiện ra Australia, quốc kỳ Nhật Bản có hình tròn màu đỏ giữa nền trắng có tên Hi-no-Maru, nghĩa là “vòng tròn Mặt trời”, hay quốc kỳ Paraguay là lá cờ duy nhất trên thế giới có hai mặt khác nhau.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn đan xen những nội dung về văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị, tôn giáo, xã hội. Đưa bạn đọc dọc theo hành trình khám phá quốc kỳ, cuốn sách được chia mục lục theo bản đồ địa lý để bạn đọc có thể tìm thấy một vài nét chung của những quốc gia được xếp trên cùng một trang sách. Như các quốc gia Trung và Đông Âu gồm Slovenia, Croatia, Serbia xưa cùng thuộc nước Nam Tư nên quốc kỳ cùng có nền là ba sọc ngang màu trắng, lam, đỏ. Hay các nước từng là thuộc địa của Tây Ban Nha như Salvador, Guatemala, Nicaragua, Honduras có cùng màu nền cờ lam và trắng. Quốc kỳ các nước ở Tây Phi như Ghana, Mali, Guinea, Senegal,... thường có 3 màu chủ đạo, xanh lá cây gợi nhắc sự hào phóng của thiên nhiên, màu vàng thể hiện kho báu dưới lòng đất và ánh sáng mặt trời, màu đỏ là máu của các bậc cha ông đã đổ xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.
Dưới 10 tuổi là giai đoạn bộ não của trẻ phát triển nhanh và trẻ rất ưa tìm hiểu, khám phá với nhiều câu hỏi “vì sao?”. Có lẽ vì thế, phần lớn các cuốn sách về quốc kỳ hướng tới độc giả nhỏ tuổi. “Bạn có biết cờ Áo chính là một trong những lá cờ lâu đời nhất trên thế giới, cờ Síp là một trong số ít lá cờ có hình bản đồ lãnh thổ đất nước hay cờ Thụy Sỹ là một trong hai quốc kỳ trên thế giới có hình vuông?” - đây là cách các tác giả của cuốn sách “Quốc gia và quốc kỳ” (bộ sách “Bách khoa thư Larousse”, NXB Thế giới) đóng khung ghi nhớ cho những thông tin thú vị, độc đáo của nhiều lá cờ.
Dành cho các độc giả thiếu nhi yêu quý nhân vật Doreamon, NXB Kim Đồng giới thiệu “Tủ sách học vui” với “Doraemon tìm hiểu xã hội - Các quốc kì trên thế giới”. Giữ đúng phong cách truyện tranh, nên ngoài giới thiệu ngắn ngọn những thông tin về thủ đô, diện tích, dân số của các quốc gia, nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục... đã được “truyện tranh hóa” một cách sinh động và hài hước.
Với độ tuổi mẫu giáo, người lớn có thể cùng đọc cho các con “Cuốn sách tranh đầu tiên về quốc kỳ” (NXB Phụ nữ Việt Nam). Đây là cuốn sách thuộc dòng Ehon (Nhật Bản) của tác giả Tezuka Akemi và Murata Hiroko với những hình ảnh in màu to, đẹp, rõ nét, ít chữ, giải thích đơn giản nhất những nét đặc sắc trên quốc kỳ của mỗi quốc gia, đồng thời cung cấp những thông tin gắn gọn về thủ đô, ngôn ngữ và những điểm nổi bật của quốc gia đó cho các độc giả nhỏ tuổi.
Với nội dung cô đọng và giàu tính thông tin, những cuốn sách về quốc kỳ đưa độc giả vào một cuộc thám hiểm lịch sử, văn hóa mỗi lục địa, mỗi quốc gia thông qua mỗi lá cờ. Bên cạnh các cuốn sách để cùng đọc, cùng xem, nhiều đơn vị xuất bản cũng “tung” ra các đầu sách đa dạng khác cho trẻ em như sách tô màu quốc kỳ, sách dán hình quốc kỳ các nước,... qua đó khích lệ trẻ khám phá thế giới từ câu chuyện xung quanh những lá cờ.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-ma-cau-chuyen-dang-sau-nhung-quoc-ky-663633.html