Giải mã loại bom hạt nhân mới B61-13 Mỹ vừa cho ra mắt

Cục An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ mới đây đã thông báo quả bom hạt nhân loại mới nhất đầu tiên mang tên B61-13 đã lắp ráp hoàn tất tại nhà máy Pantex ở Texas, sớm hơn gần một năm so với dự kiến.

Các quan chức Mỹ chụp ảnh lưu niệm bên quả bom B61-13 đầu tiên được lắp ráp hoàn tất. Ảnh: LTN.

Các quan chức Mỹ chụp ảnh lưu niệm bên quả bom B61-13 đầu tiên được lắp ráp hoàn tất. Ảnh: LTN.

Bom hạt nhân B61-13 là thành viên mới của dòng bom hạt nhân B61. Nó được phát triển trên cơ sở bom hạt nhân B61-12. Sức công phá tối đa của nó lên tới 360.000 tấn, gấp 24 lần quả bom nguyên tử "Little Boy" mà quân đội Mỹ đã thả xuống Hiroshima năm 1945, và uy lực mạnh hơn nhiều so với đương lượng nổ 50.000 tấn TNT của loại B61-12.

Đánh giá từ những bức ảnh hiện được công bố, hình dáng của bom hạt nhân B61-13 gần giống với bom hạt nhân B61-12. Cả hai đều được trang bị cụm cánh đuôi (TKA) giống nhau, bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính (INS). Theo Cục An ninh Hạt nhân quốc gia (NNSA), B61-13 có cùng các tính năng an toàn, bảo mật và độ chính xác hiện đại như B61-12.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai loại là sức công phá của chúng. Tất cả các mẫu B61 đều là vũ khí có "sức công phá có thể điều chỉnh", có thể cài đặt ở nhiều mức công suất khác nhau tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ.

 Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright đóng dấu hoàn công lên thân bom. Ảnh: LTN.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright đóng dấu hoàn công lên thân bom. Ảnh: LTN.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright đã chủ trì buổi lễ hoàn thành quả bom hạt nhân B61-13 đầu tiên. Ông nói trong một tuyên bố: "Hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ là chìa khóa để đạt được chiến lược 'hòa bình thông qua sức mạnh' của Tổng thống Trump.

"Việc hoàn thành trước thời hạn bom hạt nhân B61-13 là minh chứng cho sự khéo léo của các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ, và phản ánh nhu cầu cấp thiết của việc tăng cường răn đe trong thời kỳ hỗn loạn trên thế giới hiện nay. Tôi rất vinh dự được đóng dấu sản phẩm hoàn thiện đầu tiên hôm nay tại nhà máy Pantex ở Amarillo, Texas. Thành tựu này gửi tín hiệu đến cả kẻ thù và đồng minh rằng nước Mỹ vẫn rất hùng mạnh", ông nói thêm.

Loại bom chỉ dành cho quân đội Mỹ, trang bị cho B-2 và B-21

So sánh với việc quân đội Mỹ từng chia sẻ một số bom hạt nhân của họ với các đồng minh NATO, trang tin quân sự Mỹ The War Zone đưa tin khẳng định loại bom hạt nhân B61-13 chỉ dành riêng cho quân đội Mỹ sử dụng và sẽ được lắp trên các máy bay ném bom chiến lược B-2 và máy bay B-21 trong tương lai.

Sự ra đời của bom hạt nhân B61-13 diễn ra vào thời điểm Trung Quốc và Nga tiếp tục mở rộng các cơ sở quân sự ngầm của họ. Chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng việc triển khai B61-13 sẽ tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu ngầm được bảo vệ và duy trì khả năng răn đe hiệu quả đối với các đối thủ tiềm tàng. Việc phát triển loại bom mới B61-13 đã tận dụng tối đa dây chuyền sản xuất và thiết kế của bom B61-12 hiện có, giúp tinh giản quy trình thẩm định, đánh giá thiết kế.

 Dấu và ký hiệu trên thân bom B61-13. Ảnh: Upmedia.

Dấu và ký hiệu trên thân bom B61-13. Ảnh: Upmedia.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, việc chuẩn bị cho sản xuất hàng loạt bom hạt nhân B61-13 mới đã hoàn tất.

Vào năm 2023, quân đội Mỹ lần đầu tiên tuyên bố sẽ phát triển và triển khai bom hạt nhân B61-13, chủ yếu để thay thế bom B61-7. Kế hoạch ban đầu là sử dụng bom hạt nhân B61-12 để thay thế các mẫu cũ hơn như B61-3, B61-4 và B61-7. Bom B61 là dòng bom hạt nhân được sử dụng lâu nhất ở Mỹ.

Mặc dù sức công phá của bom B61-12 tương đối thấp (50.000 tấn), quân đội Mỹ tuyên bố rằng thiết kế hệ thống dẫn đường mới giống như tên lửa ở đuôi có thể giúp nó đạt được khả năng tự quay ổn định, cải thiện đáng kể độ chính xác. Nhờ khả năng tấn công chính xác, nó có thể tiêu diệt hiệu quả vào các mục tiêu kiên cố với kích thước nhỏ dưới lòng đất.

Tuy nhiên, trước khi bom hạt nhân B61-13 ra đời, chính phủ Mỹ đã dần từ bỏ kế hoạch ban đầu là thay thế toàn bộ các mẫu cũ (như B61-7, B61-3 và B61-4) chỉ bằng bom hạt nhân B61-12, điều này cho thấy một mẫu bom duy nhất khó có thể đáp ứng được mọi nhu cầu chiến lược.

Không giống như B61-12 có thể được thả từ máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle và F-35A; B61-13 chỉ được sử dụng cho máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit và B-21 Raider. Hiện nay, máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ không còn có khả năng thả bom hạt nhân trọng lực, nhưng vẫn có thể phóng tên lửa hành trình hạt nhân.

 Bom hạt nhân B61-12 có hình dáng, kích thước tương tự B61-13 được lắp cho máy bay chiến đấu F-15 Strike Eagle. Ảnh: 6park.

Bom hạt nhân B61-12 có hình dáng, kích thước tương tự B61-13 được lắp cho máy bay chiến đấu F-15 Strike Eagle. Ảnh: 6park.

Ra đời với mục đích răn đe

Việc phát triển và triển khai bom hạt nhân B61-13 diễn ra vào thời điểm Trung Quốc và Nga đang đẩy nhanh việc mở rộng các cơ sở quân sự ngầm của họ. Ngoài trung tâm chỉ huy ngầm mới được xây dựng, quân đội Trung Quốc (PLA) trong những năm gần đây còn xây dựng một số lượng lớn giếng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trung Quốc cũng có căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất và sân bay quân sự với hầm chứa máy bay được gia cố.

Trong khi đó, các quốc gia nhỏ hơn như Triều Tiên và Iran cũng đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công thông thường có thể xảy ra của Mỹ bằng cách di chuyển các cơ sở hạt nhân và tên lửa của họ xuống lòng đất, bao gồm cả việc xây dựng các hầm chứa tên lửa được gia cố và các trận địa tên lửa được bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo LTN, Upmedia

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/giai-ma-loai-bom-hat-nhan-moi-b61-13-my-vua-cho-ra-mat-post185771.html