Giải mã mũi tên 3.000 năm tuổi làm từ thiên thạch
Đầu mũi tên dài 4 cm, có niên đại từ năm 900 đến 800 trước Công nguyên, thuộc thời đại đồ đồng. Đáng lưu ý, nó được làm từ một thiên thạch.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Khảo cổ học, cho biết, nhóm các nhà khoa học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Bern, Thụy Sĩ đã giải mã thành công một hiện vật khảo cổ là đầu mũi tên có niên đại từ năm 900 đến 800 trước Công nguyên, thuộc thời đại đồ đồng.
Đầu mũi tên dài 4 cm, nặng hơn 2,9kg đã được tìm thấy tại một địa điểm nhà Pile trên hồ Biel ở Morigen, Thụy Sĩ, một loại nhà chồ đóng cọc trên mặt nước thời tiền sử, được xây dựng từ năm 5000- 500 trước Công nguyên, trong cuộc khai quật vào thế kỷ 19.
Nghiên cứu lưu ý, hiện vật gần 3.000 năm tuổi này được làm từ vật liệu sắt của một thiên thạch.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này cho thấy thiên thạch sắt đã được sử dụng và buôn bán ở châu Âu vào khoảng năm 800 trước Công nguyên hoặc sớm hơn.
“Bằng chứng về việc sử dụng sớm sắt thiên thạch sớm như vậy là cực kỳ hiếm,” thông cáo báo chí về khám phá nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu, vào thời điểm đó, con người chưa bắt đầu nấu chảy sắt từ quặng oxit, nhưng kim loại sắt có thể được tìm thấy trong các bãi va chạm của thiên thạch.
Trong khi các vật làm bằng sắt thiên thạch đã được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Syria, Iraq, Liban, Ai Cập, Iran, Nga và Trung Quốc, thì những đồ tạo tác như vậy trước đó chỉ được phát hiện tại hai địa điểm ở Trung và Tây Âu, cả hai đều ở Ba Lan.
Giờ đây, với phát hiện mới, các nhà nghiên cứu đã xác nhận Morigen là địa điểm thứ ba.
Ban đầu các chuyên gia cho rằn,g sắt được sử dụng làm đầu mũi tên lấy từ thiên thạch Twannberg, ở Twann-Tuscherz, Thụy Sĩ địa điểm cách nơi tìm thấy mũi tên chỉ vài cây số.
Tuy nhiên các phân tích cho thấy, cho đến nay, chỉ có ba thiên thạch được biết đến với thành phần hóa học tương tự được tìm thấy ở châu Âu.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, nguồn vật liệu khả dĩ nhất là từ thiên thạch Kaalijarv, Estonia, rơi xuống địa điểm này vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên và tạo ra nhiều mảnh nhỏ, theo nghiên cứu.
Một số mảnh vỡ này sau đó đã được đưa đến đến Thụy Sĩ dọc theo các tuyến đường giao thương, tác giả chính của nghiên cứu Beda Hofmann, đến từ Bảo tàng lịch sử tự nhiên Bern, cho biết.