Giải mã phân khúc bất động sản đáng đầu tư ở Nam Định
Sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh cùng quy hoạch phát triển bài bản, Nam Định đang nổi lên như một điểm sáng mới trên bản đồ bất động sản công nghiệp miền Bắc.
Miền Bắc dẫn đầu làn sóng FDI, bất động sản công nghiệp bứt tốc mạnh mẽ
Thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc Việt Nam đang chứng kiến giai đoạn tăng trưởng vượt bậc trong năm 2025, với sự dẫn dắt rõ rệt từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Theo dữ liệu từ Savills Việt Nam, năm 2024, khu vực miền Bắc đã dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất, với tổng vốn lên tới 5,3 tỷ USD, tương đương 59% tổng vốn FDI cả nước. Các ngành như điện tử, thiết bị điện và ô tô đang chiếm tỷ trọng cao, lên tới 48% tổng vốn đăng ký mới cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ nét từ những ngành thâm dụng lao động sang ngành công nghệ cao.

Nam Định đang nổi lên như một điểm sáng mới trên bản đồ bất động sản công nghiệp miền Bắc. Ảnh minh họa
Miền Bắc không chỉ có lợi thế về dòng vốn mà còn sở hữu vị trí địa lý chiến lược nằm gần chuỗi cung ứng Bắc Á và hành lang kinh tế phía Nam Trung Quốc. Đây là một điểm cộng lớn cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng tại châu Á. Ngoài ra, chi phí thuê đất trung bình tại miền Bắc chỉ ở mức 132 USD/m², thấp hơn khoảng 28% so với miền Nam, càng củng cố tính cạnh tranh của khu vực này.
Cơ sở hạ tầng miền Bắc cũng đang bứt phá, với 61% tổng chiều dài cao tốc của cả nước, các cảng biển lớn như Hải Phòng, Lạch Huyện và cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Điều này tạo ra một hệ sinh thái vận chuyển, logistics đồng bộ, hỗ trợ tối đa cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Các "ông lớn" như Samsung, LG, Intel, Foxconn đã góp phần định hình miền Bắc trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa tới các địa phương lân cận, đặc biệt là các tỉnh nhóm 2 như Nam Định.
Nam Định nắm lợi thế chi phí và quy hoạch dài hạn
Có thể thấy, Nam Định đang tận dụng rất tốt các điều kiện sẵn có để chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Trước đây, tỉnh này chủ yếu thu hút đầu tư vào ngành dệt may, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giá rẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian gần đây, dòng vốn FDI vào Nam Định đã dịch chuyển rõ rệt sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị sản xuất lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao.
Ông Thomas Rooney – Phó Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội - cho rằng, Nam Định đang sở hữu đầy đủ các yếu tố để bứt phá, từ giá đất cạnh tranh, vị trí thuận lợi cho đến lực lượng lao động dồi dào và chất lượng. Theo ông Rooney, các tỉnh cấp hai như Nam Định và Ninh Bình sẽ là điểm đến chiến lược tiếp theo của dòng vốn FDI trong giai đoạn từ năm 2025 trở đi.
Cụ thể, giá thuê đất công nghiệp ở Nam Định vẫn đang ở mức hợp lý, thấp hơn nhiều so với các địa phương công nghiệp truyền thống như Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hải Phòng. Đồng thời, tỉnh cũng có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo bài bản với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,8% sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong các ngành công nghệ cao.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển đến năm 2050 của Nam Định thể hiện rõ tham vọng trở thành trung tâm công nghiệp chiến lược. Tỉnh dự kiến phát triển 42 khu công nghiệp với tổng diện tích lên tới 8.389 ha, cùng 70 cụm công nghiệp trên 3.451 ha tất cả đều gắn liền với các tuyến giao thông huyết mạch của vùng Đồng bằng sông Hồng. Điều này không chỉ mở ra cơ hội phát triển quy mô lớn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối với cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Trong bối cảnh các địa phương công nghiệp truyền thống dần bão hòa, Nam Định đang nổi lên như một "ẩn số tiềm năng" và là lựa chọn thay thế đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc tỉnh định hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, cùng với quy hoạch bài bản và chi phí cạnh tranh, đang tạo ra bước đệm vững chắc để Nam Định chuyển mình mạnh mẽ.
Không chỉ là lựa chọn tối ưu về chi phí, Nam Định còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực hai yếu tố then chốt để trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu.
Với nền tảng đã được thiết lập và xu hướng đầu tư chuyển dịch rõ rệt, thị trường bất động sản công nghiệp Nam Định hoàn toàn có cơ sở để bứt phá, vươn lên trở thành trung tâm sản xuất mới tại miền Bắc, đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển cân bằng vùng của cả nước trong thập kỷ tới.