Giải ngân đầu tư công đang chậm lại, làm gì để tăng tốc

Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đang có dấu hiệu chậm lại khi tỷ lệ thanh toán ước 7 tháng 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Thực trạng này đòi hỏi quyết liệt hơn nữa để tăng tốc giải ngân trong những tháng tiếp theo.

Vướng thủ tục, chờ chính sách

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 232.091,4 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cho thấy tốc độ giải ngân đang chững lại khi cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân đạt 35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Như vậy, cả số vốn giải ngân tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, dù tổng mức đầu tư công năm nay thấp hơn nhiều so với năm 2023 (khoảng 657.000 tỷ đồng so với hơn 710.000 tỷ đồng).

Kết quả cụ thể của các bộ, ngành, địa phương thì có thể thấy sự khác biệt đáng kể. Bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, thì cũng vẫn có nhiều bộ, cơ quan và địa phương có vốn giải ngân thấp. Có đến 33/44 bộ, cơ quan trung ương và 25/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam do chưa phân bổ kế hoạch vốn; giải ngân rất thấp như Ủy ban dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (1,43%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%)….

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như: TP Hồ Chí Minh (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%), Hải Dương (18,36%).

Qua phản ánh từ các địa phương, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vẫn là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách (Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...); nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân. Bên cạnh đó là các vướng mắc của dự án trọng điểm giao thông như: vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau khi Thủ tướng Chính phủ ban Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Công khai bộ ngành, địa phương giải ngân chậm, rồi sao nữa…?

Để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm".

Đó là quyết tâm giữ kỷ luật kỷ cương; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; đổi mới phương pháp, cách làm; khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.

Năm đảm bảo gồm: chủ động nguyên vật liệu (nhất là cát sỏi, đất đắp nền...); nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; hài hòa lợi ích; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường...

Công khai danh sách các dự án chưa giải ngân được là một trong những biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, là cơ sở quan trọng để tính toán linh hoạt việc điều chuyển vốn.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết: "Luôn luôn có tình trạng có nơi thiếu, có nơi thừa và rõ ràng nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để làm sao giải ngân hết được đồng tiền, không được ôm tiền, giữ tiền".

Sự linh hoạt điều chỉnh vốn không chỉ là giữa các dự án, mà còn cả giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Không ít trường hợp địa phương đã chủ động dành một nguồn vốn nhất định để hoàn thiện các dự án dang dở.

Như vậy, danh sách bị phê bình, khiển trách… sẽ không dừng lại, đặc biệt khi một biện pháp mạnh tay xử lý cán bộ vừa được Bộ Chính trị ban hành. Đó là Quy định 148/2024 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới. Trong quy định này có nội dung áp dụng cho cá nhân cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao…

“Bên cạnh việc tích cực rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, phải có những quy định rốt ráo hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng dự án, chứ không thể chung chung được. Đây là những việc cần phải được làm quyết liệt hơn nữa. Tôi nghĩ, sau hội nghị toàn quốc về đầu tư công, sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn được đưa ra để thúc đẩy việc giải ngân.”- TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bình luận.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, TP đang tiếp tục triển khai và sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, kế hoạch đầu tư công trung hạn ở mức cao nhất. Đến nay, TP Hà Nội luôn có hệ thống dữ liệu thông tin về khó khăn, vướng mắc của các dự án. Nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc ở từng khâu, trách nhiệm giải quyết của từng đơn vị và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, TP sẽ tăng cường giám sát đôn đốc hằng tuần; phân công các thành viên trong thường trực ủy ban chỉ đạo một số dự án lớn, còn vướng mắc. Chủ tịch TP sẽ họp hằng tuần, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị.

“Sắp tới, áp dụng Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8 nên cũng sẽ tập trung cho giải ngân những tháng cuối năm”- lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, giải pháp sắp tới là tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, thực hiện cụ thể hóa nhiệm vụ được giao trong việc phân công, phân nhiệm công việc rõ ràng. Đồng thời đánh giá khách quan, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm.

Thủ tướng đã yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ai cũng thấy về căn bệnh giải ngân đầu tư công nhưng để giải quyết tình trạng này cần có giải pháp quyết liệt về trách nhiệm và thời gian. Khi vướng khó khăn thì phải nỗ lực cùng nhau giải quyết, vướng ở địa phương hay trung ương, cấp nào để vấn đề lâu hơn quy định sẽ bị xử lý trách nhiệm cụ thể cách chức ngay hay luân chuyển công tác, không để chây ì, đổ lỗi cho nhau... (TS Nguyễn Đình Cung)

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-dang-cham-lai-lam-gi-de-tang-toc.html