Giải ngân đầu tư công ở Cao Bằng: Đột phá từ con người, kỷ luật hành chính và văn hóa lãnh đạo để đạt tăng trưởng 8%
Tỷ lệ giải ngân thấp kéo dài: Nguy cơ cản trở tăng trưởng

Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường làm việc với Sở Tài chính.
Tính đến hết tháng 4/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Cao Bằng mới đạt 12,7% kế hoạch - tiếp tục nằm trong nhóm thấp nhất cả nước, thấp hơn nhiều so với bình quân chung là 18,5%. Tình trạng này lặp lại nhiều năm liên tiếp, phản ánh điểm nghẽn không chỉ ở quy trình kỹ thuật mà còn ở năng lực quản trị điều hành. Trong bối cảnh tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 8% năm nay, nếu không tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công, mục tiêu này sẽ rất khó khả thi. Căn nguyên từ thể chế và quản trị công.
Việc chậm giao vốn là dấu hiệu cho thấy sự thiếu chủ động trong quản trị ngân sách, vốn phụ thuộc nhiều vào quy trình hành chính và yếu tố thủ tục trong quản trị. Các đơn vị chủ đầu tư thường rơi vào trạng thái “trì hoãn chiến lược”, không dám phân bổ chi tiết vì e ngại bị thanh tra, kiểm toán nếu dự án phải điều chỉnh. Tâm lý sợ sai đã và đang trở thành một lực cản vô hình nhưng rất mạnh, làm suy giảm hiệu lực điều hành và sự năng động trong quá trình tổ chức thực hiện.
Khâu chuẩn bị đầu tư tại nhiều địa phương, trong đó có Cao Bằng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp và khoa học. Tình trạng lập dự án vội vàng, chạy theo tiến độ phân bổ vốn dẫn đến tổng mức đầu tư không sát thực tiễn, kéo theo hệ lụy: phải điều chỉnh nhiều lần, chậm phê duyệt và đội vốn. Điều này phản ánh sự thiếu hụt đội ngũ chuyên trách có năng lực thực chất, cũng như sự hạn chế trong ứng dụng công nghệ và dữ liệu hỗ trợ ra quyết định.
Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa các ngành còn rời rạc, thiếu liên thông. Một dự án đầu tư công thường phải đi qua nhiều sở, ngành như: Tài nguyên, Tài chính, Xây dựng, Giao thông… nhưng không có cơ chế phối hợp hiệu quả, thiếu nền tảng chia sẻ dữ liệu và phân định rõ trách nhiệm. Điều này khiến tiến độ xử lý hồ sơ bị kéo dài, phát sinh tình trạng “đá bóng trách nhiệm”.
Một điểm yếu khác là năng lực nhà thầu và tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy có dự án sử dụng nhà thầu không đủ năng lực, trúng thầu vì giá thấp hoặc có dấu hiệu quan hệ “quen biết”, dẫn đến chất lượng thi công kém, chậm tiến độ, thậm chí phải thay nhà thầu giữa chừng đã gây ra hiệu ứng dây chuyền trong toàn bộ chuỗi đầu tư.
Cùng một thể chế, cùng con người của một địa phương, nơi thành công, nơi giậm chân tại chỗ, nguyên nhân vì sao?
Giải ngân vốn đầu tư công là một bài kiểm tra năng lực điều hành ở cấp địa phương. Những tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam… cùng chung một thể chế, một hệ thống pháp luật nhưng luôn đạt tỷ lệ giải ngân cao bởi họ đã có nhiều phương án, cách thức tổ chức sáng tạo, thực hiện hiệu quả. Người đứng đầu địa phương trực tiếp theo dõi, phân công trách nhiệm cụ thể, tổ chức giao ban định kỳ và có cơ chế giải quyết vướng mắc từng vấn đề một cách linh hoạt.
Ngược lại, ở những nơi tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó có Cao Bằng, đó là: điều hành đầu tư công còn nặng tính thủ tục, năng lực điều phối chưa sát thực tế, chưa có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả và chưa xác lập rõ trách nhiệm cá nhân.
Con người và văn hóa lãnh đạo luôn là mấu chốt của sự đột phá. Mặc dù Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, tổ chức họp… để giải quyết vấn đề giải ngân đầu tư công, nhưng đây vẫn là điểm nghẽn của tỉnh.
Để thúc đẩy giải ngân, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở nguồn lực hay cơ chế, mà quan trọng chính là yếu tố con người và văn hóa lãnh đạo, quản lý, tinh thần trách nhiệm, không nên trông chờ thay đổi từ trung ương mà phải chủ động tạo ra mô hình quản trị riêng, với tinh thần dấn thân, kỷ luật và quyết liệt hành động.
Giải ngân vốn đầu tư công phải trở thành một chỉ tiêu chính trị gắn liền với đánh giá cán bộ, có thưởng, phạt rõ ràng, xác lập tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả”. Đó không chỉ là phương châm quản trị mà là nguyên tắc tổ chức hành động hiệu quả, là cam kết đạo đức công vụ với người dân và doanh nghiệp.
Giải pháp: Cải cách điều hành và tổ chức thực thi
Cao Bằng cần chuyển từ tư duy “quản vốn” sang “quản trị đầu tư”; xây dựng mô hình điều hành chuyên nghiệp, sử dụng các tổ công tác đặc biệt cho dự án trọng điểm, thiết lập lộ trình cụ thể và công khai hóa tiến độ. Trách nhiệm cán bộ phải gắn với từng mốc giải ngân và từng chỉ số đầu ra cụ thể.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cho đào tạo cán bộ quản lý dự án chuyên nghiệp, tăng cường ứng dụng dữ liệu và công nghệ số để theo dõi tiến độ theo thời gian thực. Giảm thiểu tầng nấc trung gian, trao quyền cho cấp cơ sở có năng lực và bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm là tiền đề để bộ máy hành động thực chất hơn. Tăng trưởng 8% bắt đầu từ bộ máy hành động, không chỉ từ dòng vốn.
Đồng thời, cần rà soát, kiểm tra việc cấp phép và khai thác các mỏ nguyên vật liệu phục vụ xây dựng công trình, nhất là mỏ đất, đá, cát sỏi, các trạm trộn bê tông... đảm bảo vừa cung cấp đủ nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm, vừa giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc khai thác phải gắn với trách nhiệm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.
Không một công trình nào hoàn thành chỉ bằng mệnh lệnh hành chính hay kế hoạch trên giấy. Thành công đến từ đội ngũ cán bộ có năng lực, có khát vọng cống hiến và tuân thủ kỷ luật hành động. Nếu không thay đổi cách làm, nguồn lực đầu tư dù lớn đến đâu cũng không thể chuyển hóa thành tăng trưởng thực chất.
Cao Bằng muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% không thể chỉ trông chờ vào vốn, mà phải bắt đầu từ hành động hiệu quả, từ văn hóa điều hành “nói đi đôi với làm”.
Cần một tư duy đổi mới thực chất
Cao Bằng không thiếu quyết tâm, không thiếu chủ trương, điều còn thiếu là một mô hình điều hành đầu tư công hiện đại, thực chất và quyết liệt hơn. Nếu không vượt qua được tâm lý sợ trách nhiệm và lối điều hành “an toàn hóa”, tỉnh ta sẽ tiếp tục bị tụt hậu trong cuộc đua thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng.
Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư đang là một dấu mốc quan trọng. Hiện tại, tỉnh đang đề xuất bổ sung thêm nguồn vốn từ tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 với số vốn 3.420 tỷ đồng. Tỉnh đã cam kết sẽ giải ngân toàn bộ số vốn này trong năm 2025. Đây là phép thử rõ ràng cho tinh thần hành động: nếu Cao Bằng thực sự quyết liệt, dự án này sẽ tạo đà bứt phá và thay đổi bức tranh đầu tư công ở vùng Đông Bắc. Với quyết tâm cao của từng cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách quyết liệt, khoa học, bài bản, tin tưởng rằng, tỉnh ta sẽ đạt các mục tiêu đặt ra; xây dựng “Non nước Cao Bằng” ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với mảnh đất địa linh, nhân kiệt; truyền thống quê hương hào hùng, nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam.