Giải ngân đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước đạt 61,8%
Kho bạc Nhà nước cho biết, tính đến hết ngày 15.12, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 460.462,7 tỷ đồng, bằng 61,8% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 745.225,1 tỷ đồng).
Sáng 20.12, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 địa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Hoạt động ổn định, bảo đảm tuyệt đối an toàn tiền và tài sản Nhà nước
Theo Kho bạc Nhà nước, năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm... Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức ngành Tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng.
Tính đến hết 15.12.2024, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt 1.870.596 tỷ đồng, bằng 109,97% so với dự toán năm 2024 được giao, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 113,47%; thu ngân sách địa phương đạt 106,46% so với dự toán.
Đối với công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong năm 2024, Kho bạc Nhà nước đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đối với chi thường xuyên, tính đến 15.12.2024, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát đạt 1.051.366 tỷ đồng, bằng 82,8% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). So với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 121.711 tỷ đồng về giá trị, cao hơn 4,3% về tỷ lệ so với dự toán.
Đối với chi đầu tư, tính đến hết 15.12.2024, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 460.462,7 tỷ đồng, bằng 61,8% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 745.225,1 tỷ đồng); bằng 56,5% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2024 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 815.146,7 tỷ đồng).
Công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đã bảo đảm huy động đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý; đồng thời, góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, đến hết 15.12.2024, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 327.546,5 tỷ đồng, đạt 81,9% kế hoạch năm 2024 Bộ Tài chính giao (400.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2024 là 11,05 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ là 9,01 năm; lãi suất phát hành bình quân năm 2024 là 2,52%/năm. Tổng khối lượng thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ đến hết ngày 15.12 là 246.277,8 tỷ đồng, trong đó: gốc là 161.470 tỷ đồng; lãi là 84.807,8 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, các đơn vị Kho bạc Nhà nước trong hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt, bảo đảm tuyệt đối an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao cho Kho bạc Nhà nước quản lý...
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Tài chính, 35 năm tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Hệ thống Kho bạc Nhà nước xác định mục tiêu và phương châm hành động năm 2025 là: “Tập trung nguồn lực, trí tuệ hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm và các đề án, chính sách; đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch”.
Bộ máy mới phải hoạt động được ngay, không để ngắt quãng công việc
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt được trong năm 2024.
Dù vậy, theo Bộ trưởng, hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiến độ xây dựng một số đề án chính sách còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra; hệ thống công nghệ thông tin chưa theo kịp xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; một số dự án công nghệ thông tin đang còn chậm.
Công tác kiểm soát chi hầu hết ở các chi nhánh cơ bản tốt, song thời gian qua còn để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, cá biệt có hiện tượng tiêu cực, phần nào ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ ngành, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, trong năm 2025, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, hệ thống Kho bạc Nhà nước cần tiếp tục bám sát chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, tập trung phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Kho bạc Nhà nước phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ.
Cũng theo Bộ trưởng, hệ thống Kho bạc Nhà nước cần quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng hệ thống Kho bạc Nhà nước chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa; bảo đảm bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quảng công việc.
Việc tinh gọn bộ máy phải bảo đảm theo hướng triệt để nhất, để có được bộ máy vừa giảm được đầu mối, vừa giảm được con người và phải cân đong đo đếm được. Thứ nhất, phải giảm chi thường xuyên. Thứ hai, phải bảo đảm một việc chỉ có một đơn vị làm hoặc một đơn vị làm nhiều việc, không thể có chuyện nhiều đơn vị làm cùng một việc, Bộ trưởng nêu rõ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân cho biết sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên từ đầu năm 2025 theo hướng quyết liệt, cụ thể, nghiêm túc để đạt được kết quả ngay. Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.