Giải ngân vốn đầu tư công góp phần phục hồi nền kinh tế

Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tỉnh Ninh Bình đang quyết liệt triển khai các dự án theo đúng tiến độ và giải ngân nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà thầu thi công quyết tâm thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Nhà thầu thi công quyết tâm thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án

Theo thông tin từ Ban Quản lý các dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh: Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn 1) là dự án trọng điểm nhằm phát triển đô thị theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 3km, điểm đầu tại nút giao giữa đường Vạn Hạnh và đường Trần Hưng Đạo; điểm cuối giao với đường Bái Đính- Kim Sơn; tổng mức đầu tư là trên 840 tỷ đồng.

Công trình hoàn thành không chỉ góp phần cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, thoát nước đô thị mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hạ tầng du lịch như phục vụ dự án taxi nước trong tương lai, triển khai mô hình khép kín giữa dịch vụ du thuyền đường sông, du lịch kênh trong đô thị và du lịch chèo thuyền. Đồng thời, dự án cũng góp phần giảm mật độ lưu thông giữa các điểm du lịch, nâng cao hiệu quả khai thác du lịch của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng quản lý thi công Tập đoàn Cường Thịnh Thi cho biết: Với ý nghĩa quan trọng của dự án nhà thầu thi công là Tập đoàn Cường Thịnh Thi đã tập trung cao nhân lực, máy móc để thực hiện thi công dự án đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, thẩm mỹ cho công trình xây dựng điểm nhấn ở đô thị. Đến nay, công trình đã hoàn thành với tổng giá trị khối lượng đạt trên 410 tỷ đồng, trong đó, giá trị xây lắp đạt trên 330 tỷ đồng, giá trị giải phóng mặt bằng đạt trên 53 tỷ đồng, giá trị tư vấn và các hoạt động có liên quan đạt 23 tỷ đồng.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án và giải ngân vốn đầu tư công góp phần phục hồi nền kinh tế, Ban đã phân công, phân cấp từng đồng chí Phó Giám đốc Ban phụ trách từng lĩnh vực và trực tiếp phụ trách quản lý điều hành các dự án; trực tiếp chỉ đạo các các phòng chuyên môn nghiệp vụ thực hiện các dự án do mình phụ trách, đảm bảo minh bạch, khách quan.

Vì vậy, hầu hết các dự án được triển khai đúng tiến độ, thời gian yêu cầu, chất lượng hiệu quả. Bên cạnh đó, để kịp thời giải ngân nguồn vốn đầu tư, mỗi dự án đều được lập kế hoạch, tiến độ thực hiện; hàng tuần đều tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ và những việc đã giải quyết, những tồn tại, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, trách nhiệm cá nhân, thời gian hoàn thành.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2022 tổng vốn đầu tư công do địa phương quản lý nguồn ngân sách nhà nước đã giao là 4.524,86 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, tạo động lực phục hồi các ngành kinh tế nhanh chóng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, nhất là các dự án khởi công mới được giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 như: Khởi công đường Đông - Tây, đường T21, đường ĐT482, cải tạo đường ĐT477 từ ngã ba Gián Khẩu đến lối vào Khu 50ha mở rộng KCN Gián Khẩu, tuyến đường từ cầu Tu đến cầu Cọ…

Theo đó, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai tài nguyên; tích cực chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; khẩn trương nghiệm thu hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng, không để dồn thanh toán vào cuối năm và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chủ đầu tư và các nhà thầu kiểm tra thi công tại công trường.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ giải ngân của các công trình, dự án; khó khăn, vướng mắc của từng công trình dự án dẫn đến nguyên nhân chưa giải ngân hoặc giải ngân kém; tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới.

Trên cơ sở đó, dự kiến số kế hoạch vốn còn lại không thể thực hiện giải ngân, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển sang dự án khác có nhu cầu giải ngân cao, khả năng hấp thụ vốn lớn, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, ODA, ngân sách cấp tỉnh.

Với những giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, các ngành, 3 tháng đầu năm số vốn giải ngân trên địa bàn tỉnh đã đạt 1.306,9 tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch vốn. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân đã đề ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các công trình, dự án, khẩn trương thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư công; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ chung.

Đồng thời, UBND tỉnh sẽ thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, đề xuất xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị, chủ đầu tư được giao vốn kế hoạch đầu tư công nhưng giải ngân chậm, không giải ngân hết số vốn đã được giao mà không báo cáo, đề xuất điều chuyển nguồn.

Nguyễn Thơm - Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-gop-phan-phuc-hoi-nen-kinh-te/d20220411085053445.htm