Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu
Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430.661 triệu đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua 3.763.925 triệu đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương 1.836.174 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương 1.927.751 triệu đồng. UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết đến từng dự án đạt 100% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua.
Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430.661 triệu đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua 3.763.925 triệu đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương 1.836.174 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương 1.927.751 triệu đồng. UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết đến từng dự án đạt 100% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thường xuyên đôn đốc và giao mốc thời gian thực hiện cụ thể, nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) năm nay đã đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/10, số kế hoạch vốn đã giải ngân đạt 54% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và đạt 49% số vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án.
UBND tỉnh đánh giá, với sự tập trung quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện và giải ngân các dự án, các chủ đầu tư đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thực tế tại công trường, chỉ đạo các bộ phận đẩy nhanh tiến độ, nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Do đó tính đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2024 của tỉnh đạt kết quả cao hơn so với trung bình cả nước.
Thực tế cho thấy, từ kết quả giải ngân tốt hơn năm trước đã góp phần tạo lực đẩy mạnh cho tăng trưởng, thu ngân sách cũng như phát triển của các ngành kinh tế. Minh chứng rõ nét là 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,02% so với cùng kỳ; cả năm 2024 ước tăng 9,74% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song, UBND tỉnh đánh giá, tiến độ thực hiện và giải ngân VĐTC năm 2024 theo từng nguồn vốn, từng chương trình, dự án của một số ngành, địa phương còn thấp hơn so với trung bình của cả nước. Đặc biệt các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) có tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều công trình, dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2024 vẫn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và mới thi công. Việc thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên và môi trường một số dự án chậm. Có dự án phải chờ điều chỉnh, bổ sung, cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đáng nói là một số dự án chưa nhận được sự đồng thuận của người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Kết quả giải ngân VĐTC không chỉ là đòn bẩy của tăng trưởng kinh tế, mà ở phương diện khác có thể nói đó cũng là thước đo cho năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và việc tổ chức thực hiện của các chủ đầu tư.
Nhằm tạo sự đột phá về giải ngân VĐTC năm 2024 trong giai đoạn nước rút này, UBND tỉnh đã và đang ráo riết chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), định giá đất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; sớm hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; đẩy mạnh nguồn thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn bố trí cho các dự án theo kế hoạch được duyệt. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh kế hoạch VĐTC giữa các dự án trong từng nguồn vốn nhằm tập trung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân, cần đẩy nhanh tiến độ. Nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các CTMTQG.
Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao: Xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân VĐTC các tháng cuối năm 2024 là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao nhất, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 và các năm trước chuyển sang, nhất là vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vốn thực hiện các CTMTQG, các dự án trọng điểm của tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Lập kế hoạch thực hiện và giải ngân chi tiết cho từng chương trình, dự án trọng điểm, yêu cầu nhà thầu ký cam kết tiến độ thực hiện theo từng tháng. Thực hiện quyết liệt công tác GPMB, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng kịp thời tiến độ thi công. Tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Chỉ đạo nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng cường nhân công, vật tư, máy móc thiết bị, tăng ca đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các hạng mục công trình. Đối với các dự án, địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 3 cần khẩn trương khắc phục khó khăn, triển khai các giải pháp tổ chức thi công phù hợp.
Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư. Các cơ quan, đơn vị được giao lập chủ trương đầu tư, lập dự án chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc công tác khảo sát, thiết kế, xác định thủ tục GPMB, phương án tái định cư ngay trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Bám sát quy trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025 và phục vụ công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030…